Dự buổi họp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê; lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và TP.
Lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh chủ trì buổi gặp mặt lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên tiêu biểu
Ông Lê Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy báo cáo tóm tắt công tác báo chí, xuất bản tại TP năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023.
Theo đó, năm 2022 báo chí TP tiếp tục thông tin đậm nét, đầy đủ, kịp thời các hoạt động, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy - UBND - Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.
Báo chí có nhiều bài viết đề xuất hiến kế phục hồi kinh tế sau dịch; nhiều tuyến bài tuyên truyền, thông tin về sự cần thiết, quá trình chuẩn bị dự án đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; công tác xuất bản năm 2022, tổ chức lễ hội Tết Nhâm Dần 2022, triển lãm sách và các hoạt động kỷ niệm chính trị, ngày sách thiếu nhi; hoạt động báo chí xuất bản, hoạt động đường sách 2023 đã có nhiều tín hiệu tích cực; báo Xuân trình bày đẹp, nhiều bài viết về phong tục đón Xuân của người Việt, gương điển hình tiêu biểu trong đời sống xã hội, nhiều bài viết chất lượng cao thể hiện rõ tôn chỉ mục đích của báo.
Bên cạnh những mặt đạt được, ông Lê Hồng Sơn cho rằng vẫn còn tồn tại, hạn chế, như: Bài viết về những thành tựu trong công tác xây dựng Đảng còn ít; báo chí khai thác quá đà nhiều thông tin mục đích câu view, xuất bản điện tử còn chậm do chưa đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số…
Do đó trong thời gian tới, các cơ quan quản lý tại TP Hồ Chí Minh đưa ra 7 giải pháp trọng tâm: Tích cực tổ chức triển khai công tác chỉ đạo quản lý trang thông tin điện tử, mạng xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số; quan tâm, tạo cơ chế để Nhà Xuất bản Tổng hợp TP thực hiện hiện nhiệm vụ chính trị; cơ quan báo chí tuân thủ nghiêm về báo chí xuất bản; chủ động tăng cường các tuyến bài bảo vệ quan điểm, nền tảng của Đảng…
Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, trong năm 2023 TP Hồ Chí Minh định hướng tuyên truyền tập trung 5 vấn đề trọng tâm: Tuyên truyền về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị; tuyên truyền về các ngày lễ lớn của dân tộc và TP, tuyên truyền 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; phong trào thi đua yêu nước; mở chuyên trang, chuyên mục ca ngợi đất nước, con người Việt Nam, người tốt việc tốt, bảo vệ quan điểm, nền tảng của Đảng; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2022; kết quả thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Đảng bộ TP năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Tại buổi họp mặt, đại diện một số cơ quan báo chí Trung ương và TP Hồ Chí Minh cũng đã có ý kiến đóng góp và đưa ra một số kiến nghị như: Cần xây dựng hành lang pháp lý tương đối rõ về chuyển đổi số; cho phép cơ quan báo chí thúc đẩy xã hội hóa chuyển đổi số nhằm thu hút nguồn lực xã hội.
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên báo chí
Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc Nhà Xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến về phát triển văn hóa đọc gắn với chuyển đổi số trong tình hình hiện nay.
Theo bà Thủy, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản là yêu cầu cấp thiết trong toàn bộ hệ thống chính trị. Do đó, đầu tư công nghệ không những đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà còn đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Hiện nay có 11/57 Nhà Xuất bản trên cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động xuất bản sách điện tử (eBook). Hiện trên thế giới, sách điện tử phát triển khá mạnh như ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, tại Việt Nam đã có một số công ty áp dụng sách điện tử, một số Nhà Xuất bản cũng đang đầu tư công nghệ mới nhưng do thiếu vốn, thiếu nhân lực nên chưa đẩy mạnh được sách điện tử. Bên cạnh đó, hệ điều hành windows khá lạc hậu, máy chủ thiếu toàn bộ sách trên web, thiếu dung lượng trong khi lượng khách hàng tăng mỗi ngày, việc lắp thêm ổ cứng thiếu khả thi vì ổ cứng đã đầy dung lượng và đã cũ.
Từ những khó khăn trên, bà Đinh Thị Thanh Thủy đưa ra kiến nghị duy nhất là cơ quan chủ quản cần hỗ trợ kinh phí để xuất bản sách điện tử của Nhà Xuất bản Tổng hợp TP.
Phát biểu kết luận buổi họp mặt, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã cảm ơn, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của các cơ quan báo chí cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. Các cơ quan báo chí Trung ương và TP đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, chuyển tải kịp thời những thành quả của TP Hồ Chí Minh.
“Chúng tôi đánh giá cao công tác truyền thông, lĩnh vực báo chí xuất bản đã chuyển tải thông tin phong phú, sinh động về mọi mặt đời sống của TP. Báo chí ngày càng thể hiện vai trò độc lập và phản biện, phản ánh chân thực những vấn đề gai góc của cuộc sống, nhất là những vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng. Đội ngũ người làm báo ngày càng vững vàng về chính trị, khẳng định là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng. Nhiều sản phẩm báo chí chuyển tải thông tin mang tính nhân văn sâu sắc. Những việc làm trên không chỉ là trách nhiệm của người làm báo mà còn là bổn phận của công dân đang sinh sống tại TP” - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tại TP trong thẩm quyền của mình cần tiếp thu, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan báo chí.