Làm thế nào để ứng dụng giáo dục STEM vào trường học một cách hiệu quả nhất, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với TS. Huỳnh Ngọc Thanh - nguyên giảng viên trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP Hồ Chí Minh (Bộ GD&ĐT), đồng tác giả, đồng chủ biên nhiều bộ sách Giáo dục STEM do Nhà Xuất bản Giáo dục VN phát hành.
PV: Thầy có thể chia sẻ về “quá trình” triển khai giáo dục STEM trong nhà trường theo chỉ đạo của ngành?
TS. Huỳnh Ngọc Thanh: Các Chỉ thị, Nghị quyết, Công văn … để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai giáo dục STEM vào nhà trường thì có khá nhiều. Nhưng, về cơ bản, chúng ta có thể kể ra những văn bản cốt lõi như: Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/5/2017 về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/3/2018 về thúc đẩy giáo dục STEM trong các trường phổ thông; Các công văn 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 và công văn 909/BGDĐT-GDTH ngày 8/3/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường Tiểu học và Trung học triển khai hoạt động giáo dục STEM vào nhà trường. Nghĩa là những điều kiện pháp lý để triển khai giáo dục STEM trong nhà trường rất đầy đủ.
Một buổi tập huấn về Giáo dục STEM của TS. Huỳnh Ngọc Thanh cho cán bộ quản lý, giáo viên Tiểu học ở Sở GD&ĐT Tiền Giang (24/8/2023)
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến thời điểm này, theo chúng tôi, giáo dục STEM đã lần lượt gặp một số “tình huống” dẫn đến khó thâm nhập vào trường học theo yêu cầu chỉ đạo của các cấp như sau:
Giai đoạn những năm 2015 - 2020: gần như chúng ta đồng nhất giáo dục STEM với robot, tự động hóa, học STEM phải có phòng học STEM với trang thiết bị hiện đại, đắt tiền… Trong thực tế, ngay cả ở các nước phát triển, hầu hết các chủ đề giáo dục STEM có thể được thực hiện trên lớp học thông thường hoặc trong sân trường, dụng cụ phục vụ dạy học STEM cũng đơn giản, rẻ tiền, dễ tìm.
Giai đoạn 2020 - 2022: Sau khi Bộ GD&ĐT triển khai công văn 3089/BGDĐT-GDTrH yêu cầu triển khai giáo dục STEM trong các trường trung học, nhưng các đợt tập huấn chưa phủ khắp, tài liệu giảng dạy STEM chưa có hoặc có nhưng còn “mỏng”, vẫn còn một bộ phận khá lớn các trường còn đồng nhất STEM với robot, với tự động hóa…dẫn đến nhiều giáo viên vẫn chưa hiểu rõ về giáo dục STEM. Do đó, giáo dục STEM vẫn khó thâm nhập vào các trường.
Giai đoạn từ 3/2023, khi Bộ GD&ĐT triển khai công văn số 909/BGDĐT-GDTH về hướng dẫn triển khai giáo dục STEM trong các trường Tiểu học, khi đó gần như các tình huống vừa trình bày ở trên đã được giải quyết.
Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh đa số Cán bộ Quản lý, giáo viên trên phạm vi toàn quốc đã được tập huấn STEM kỹ càng, nhiều đợt, tài liệu về giáo dục STEM do Nhà xuất bản Giáo dục VN triển khai rộng khắp (3 bộ), chúng ta đã không còn ngộ nhận khi đồng nhất STEM với robot, tự động hóa… thì việc một số trường học ở một số địa phương triển khai giáo dục STEM dưới hình thức “Trải nghiệm STEM” bằng cách “liên kết” với các đơn vị bên ngoài nhà trường, cũng là một tình huống mới. Các ngành, các cấp quản lý rất cần quan tâm tìm hiểu nguyên nhân cụ thể, kịp thời để hỗ trợ các trường ở những địa phương trên có thể áp dụng hình thức Bài học STEM, như một ưu tiên, theo yêu cầu của ngành.
Thầy vui lòng chia sẻ một số trường hợp đã triển khai giáo dục STEM dưới hình thức “Bài học STEM” cho bạn đọc
-Một vài trường hợp triển khai giáo dục STEM dưới hình thức “Bài học STEM” cùng ý kiến của các thầy cô đó, chủ yếu ở những địa phương mà chúng tôi đã được mời tập huấn như sau:
Cô Nguyễn Tú Oanh, “Viên phấn vàng” môn Toán cấp TP của TP Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng bộ môn Toán của Sở GD&ĐT TP, Giáo viên bộ môn Toán trường THCS Phan Bội Châu, quận 12, TP đang dạy bài học STEM trong giờ học chính khóa môn toán cho học sinh lớp 8A1: “Chế tạo máy chiếu phim 3D” được chuyển từ bài học trong sách giáo khoa “Hình thang cân”.
Cô Nguyễn Tú Oanh: Khi chuyển một bài dạy truyền thống môn toán thành “Bài học STEM” thì bản thân giáo viên thấy được một sự thay đổi rất lớn, đó là không khí lớp học sôi nổi hơn, học sinh rất thích thú, phấn khởi khi phát hiện được vấn đề mới nào đó từ kiến thức vừa học đem lại, giảm được sự mệt mỏi, căng thẳng, đây chính là thành công của “Bài học STEM” hiện nay. Qua hoạt động, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức vừa học mà còn được trải nghiệm, khám phá, phát triển được những năng lực ít bộc lộ trong quá trình học tập trước đây, học sinh tự tin giao tiếp hơn trước đám đông và tự trả lời được câu hỏi mà nhiều thế hệ học sinh, trong đó có cả chúng ta, đều thắc mắc: “Học toán để làm gì? Có vận dụng được gì trong cuộc sống hay không?”.
Mục đích của giáo dục STEM là trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng, tạo ra những con người có đầy đủ phẩm chất, năng lực để thích nghi với cuộc sống ở thế kỷ 21, như các năng lực cốt lõi: tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Việc chuyển đổi một số bài dạy truyền thống môn toán từ sách giáo khoa (tương tự các môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Địa lý…) thành “bài học STEM” để dạy trong các tiết chính khóa là trong khả năng của nhiều thầy cô, bên cạnh đó các nhóm học sinh đều có thể tự chuẩn bị tìm kiếm dụng cụ, nguyên vật liệu mà hầu hết là các “đồ phế thải hoặc tái chế”. Hơn nữa, một điều rất thuận lợi cho giáo viên toán hiện nay là trong chương trình GDPT môn Toán hiện nay, cuối mỗi chương đều có sẵn một hoạt động Thực hành – Trải nghiệm hướng dẫn học sinh chế tạo một sản phẩm gắn liền với kiến thức của chương đó, đó cũng là một dạng “Bài học STEM”.
Vì những lợi ích đối với học sinh và điều kiện triển khai thuận lợi trên, đưa “Bài học STEM” vào trong nhà trường là phù hợp xu thế phát triển giáo dục các nước và chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay ở Việt Nam mà Bộ GD&ĐT đã và đang phát động những năm học qua.
Cô Thủy Thị Mai Lý - GV trường Tiểu học Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đang dạy Bài học STEM trong giờ chính khóa: “Chế tạo hộp bút từ vật liệu tái chế” được chuyển từ bài học trong sách giáo khoa toán lớp 3 “Hình hộp chữ nhật”
Cô Thủy Thị Mai Lý: Hầu như tất cả học sinh đều thích thú khi tham gia chế tạo sản phẩm STEM, có một ít học sinh chưa quen, còn thụ động, ngồi nhìn bạn làm, khi cô và bạn nhắc nhở thì cũng tích cực tham gia hoạt động với nhóm. Dụng cụ, nguyên vật liệu của chủ đề rất dễ tìm, rẻ tiền, do các nhóm tự chuẩn bị trước, rất sáng tạo. Do đó, tiết học STEM nào cũng giúp phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh theo chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Bản thân là giáo viên, em thích được dạy STEM để học sinh có thể tham gia học tập một cách hứng thú, tích cực và phát triển năng lực sáng tạo cho các em. Em cũng mong được dạy nhiều tiết Bài học STEM hơn.
Học sinh trường TH-THCS Thống Nhất, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đang học Bài học STEM trong giờ chính khóa môn Âm nhạc lớp 4: Chế tạo nhạc cụ
Cô Phạm Thị Bình, GV trường THCS-THPT Ba Hòn, tỉnh Kiên Giang đang dạy Bài học STEM: “Chế tạo thuyền chạy bằng động cơ” được chuyển từ bài học trong sách giáo khoa toán lớp 10 “Vectơ”.
Cô Phạm Thị Bình: Trước đây, em từng thực hiện khá nhiều tiết dạy dạng “Bài học STEM”, cả học sinh lẫn thầy cô đều rất thích. Dụng cụ, nguyên vật liệu do học sinh tự chuẩn bị để phát huy sức sáng tạo theo đúng tinh thần của một hoạt động giáo dục STEM. Nhiều tiết dạy Ôn tập chương đã được em chuyển thành “Bài học STEM”.
Theo thầy, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, giáo dục STEM đang được triển khai rộng khắp ở các địa phương dưới dạng bài học STEM, thì các công ty giữ vai trò gì trong việc dạy liên kết STEM với trường học hiện nay?
Cô Tô Thị Vân Anh, giáo viên trường THCS Tân Phú, TP Thủ Đức đang dạy bài học STEM: “Thiết kế mô hình xe đồ chơi” được chuyển từ bài học trong sách giáo khoa toán lớp 8:“Hình chữ nhật”
-Như trên đã trình bày, về mặt pháp lý lẫn khoa học, hầu hết giáo viên ở các trường đều có đủ khả năng để đưa hoạt động giáo dục STEM vào trong nhà trường dưới hình thức “Bài học STEM”, là hình thức GV của trường dạy cho HS lớp mình trong giờ dạy chính khóa và không thu phí. Trong thực tiễn, sau các đợt tập huấn của Bộ GD&ĐT, các trường Đại học, các nhóm tác giả viết bộ sách Giáo dục STEM thì giáo viên nhiều trường ở các tỉnh, thành, theo chúng tôi được biết, như Hòa Bình, Sơn La, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đaklak, Ninh Thuận, Bình Dương,… cho đến Kiên Giang… đều đang triển khai giáo dục STEM dưới hình thức Bài học STEM, đặc biệt là các trường ở bậc Tiểu học.
Trong tình hình trên, các công ty liên kết dạy STEM với nhà trường vẫn có một vị trí riêng trong chủ trương xã hội hóa giáo dục hiện nay của Đảng và Nhà nước. theo chúng tôi, chủ yếu là liên kết với các trường ở những địa phương chưa được tập huấn về giáo dục STEM và các bộ sách Giáo dục STEM chưa phát hành đến các địa phương này, hoặc các công ty có thể liên kết để dạy một số chủ đề STEM mà nhà trường chưa thể triển khai do chưa đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị…, chẳng hạn Robot, tự động hóa… dưới dạng Câu lạc bộ, nếu phụ huynh có nhu cầu.
Đây là sự phối hợp hài hòa, hợp lý, bổ sung cho nhau giữa nhà trường, gia đình và xã hội, thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước trong trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Xin cảm ơn thầy về nội dung trao đổi!