150.000 chiếc điện thoại bị đốt và số phận người nghèo
Tôi đã xem đi xem lại clip găm đầy tiếng kêu gào của người phụ nữ bán hàng và nỗ lực giữ chiếc xe của cụ già tóc bạc.
Ông Đoàn Ngọc Hải đứng ngay cạnh đó, như thường lệ, với khuôn mặt lạnh, cương quyết.
Cho đến thời điểm này, chưa một lần tôi nghi ngờ sự cương quyết trong công cuộc lập lại trật tự vỉa hè của ông Hải. Nhưng xem clip này, thêm một lần khiến tôi băn khoăn: Liệu cuộc chiến vỉa hè có thành công hay không, khi thỉnh thoảng nó lại đẩy dư luận về phía bờ day dứt?
Quyết liệt và thành công, đôi khi không bao giờ gặp nhau, nếu người ta chọn đường không đúng.
Năm 1995, ngay trước Giáng Sinh, chủ tịch SAMSUNG Lee Kun Hee đã có một quyết định cứng rắn khủng khiếp.
Khi đến thăm nhà máy Gumi, ông đã phát hiện ra rằng 150.000 chiếc điện thoại mà tập đoàn dự định tặng cho nhân viên thực chất là hàng lỗi.
Thay vì sửa lỗi lô hàng, ông Lee cho tập trung 2.000 nhân viên lại và thiêu đốt, nghiền nát toàn bộ số điện thoại khổng lồ.
Trong khi nhiều nhân viên sợ hãi hoặc không cầm được nước mắt, thì ông Lee đưa ra thông điệp: "Nếu các anh vẫn tạo ra những sản phẩm kém chất lượng như thế này, tôi sẽ quay lại đây và tôi sẽ đốt một lần nữa".
Hành động quyết liệt khi ấy của ông là một trong những cú hích lớn để SAMSUNG và các đế chế điện tử của Hàn Quốc trỗi dậy và giờ đây đang soán ngôi các đế chế Nhật Bản hùng mạnh.
Chủ tịch Lee không vấp phải làn sóng chỉ trích, không chỉ vì ông biết đoạn tuyệt với sản phẩm dở, mà còn vì ông đã đốt tài sản của chính mình.
Sự quyết liệt cuả ông Đoàn Ngọc Hải lại khác, bởi thứ mà ông đang đụng tới, không phải là tài sản của chính ông, mà là tài sản của người khác, trong đó có rất nhiều người nghèo khổ.
Cuộc chiến thực sự của ông Hải, không phải là cuộc chiến với người nghèo. Nếu là cuộc chiến với người nghèo, thì chính quyền sẽ luôn thua, vì sự tồn tại quan trọng nhất của chính quyền là để người dân không còn nghèo nữa chứ không phải ngược lại.
Cuộc chiến thực sự của ông Hải là cuộc chiến với lợi ích nhóm, trục lợi cả trên miếng cơm manh áo người nghèo.
Cỗ máy thực thi công vụ hay con người thực thi công vụ?
Việc bán hàng của ông lão bán cá viên là vi phạm vỉa hè, hẳn rồi. Cũng như các chị gánh hàng rong vi phạm.
Nhưng bất cứ ai thấy cảnh những nhân viên trật tự, công an phường giật đổ tung tóe hoa quả xuống đường trong ánh mắt đau khổ, tuyệt vọng của người bán hàng rong nghèo khổ, đều không khỏi thở dài xót xa cho mối quan hệ giữa "cá" với "nước".
Cái đáng sợ nhất là qua hình ảnh đó, người ta chỉ nhìn thấy những cỗ máy thực thi công vụ, chứ không phải những công bộc cũng sinh ra từ dân, bố mẹ ông bà họ cũng lam lũ, mưu sinh vất vả.
Cái sâu xa mà cuộc chiến vỉa hè mang lại là hình ảnh đẹp về trật tự, văn minh đô thị, là thông điệp một chính quyền hành động vì đa số người dân.
Nhưng trước khi có được mục tiêu cuối cùng và lâu dài đó, những ứng xử cứng nhắc, khô khan, khiến ai đó có thể suy diễn về sự lạnh lùng, vô cảm của công quyền với những người cùng khổ, sẽ làm xấu đi ngay lập tức hình ảnh đô thị.
Một đô thị sạch đẹp đến mấy mà thiếu tình người, thì đô thị ấy cũng không đáng sống.
Những người thường xuyên đi ngủ trễ, muốn đi ngủ sớm, cũng phải tập dần. Một người cai thuốc lá cũng phải hút ít dần rồi mới bỏ hẳn.
Thay đổi một thói quen đã khó, thay đổi tư duy, thay đổi nơi mưu sinh chắc chắn khó hơn nhiều. Những cuộc ra quân rầm rộ, chớp nhoáng, báo chí xôn xang không phải là liều thuốc đúng cho "tâm bệnh".
Ông Đoàn Ngọc Hải đã từng nói: "...Suốt 20 năm, tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh công an đuổi bắt, không cho ba mẹ tôi buôn bán nữa. Vì vậy tôi rất chia sẻ, thông cảm cho bà con nghèo làm nghề buôn thúng gánh bưng".
Không biết, trong giây phút ông lão tóc bạc giành giật xe cá viên, ông Hải có nhớ về ba mẹ ông suốt 20 năm khốn khó, nuôi các con ăn học.
Ông Hải có thể nhớ hoặc không nhớ chuyện đó, nhưng tôi lại bất giác thở dài, nhớ đến cựu bí thư Nguyễn Sự ở Hội An.
Bài học từ việc ông Nguyễn Sự dẹp mại dâm ở Hội An
Để có một Hội An di sản, một Hội An đáng đến, một Hội An trong lành, Nguyễn Sự phải mất mấy chục năm. Dục tốc bất đạt, là người hoài cổ, chắc ông Sự hiểu rõ điều đó.
Ông Sự có thừa sự quyết liệt nhưng ông biết, làm một cuộc "cách mạng" không chỉ cần dũng khí, mà còn cần phương pháp. Hành xử với dân luôn là việc khó hơn rất nhiều hành xử với kẻ thù.
Để triệt nạn mại dâm, ông Sự đã chọn cách đến chơi nhà có ổ chứa và ngồi lì ở đó kiếm cớ uống trà thư thả đến quá nửa đêm.
Tất nhiên, chủ chứa không dám đuổi ông về. Nhưng khi người to nhất thành phố còn ngồi đó, khách làng chơi nào dám vào, gái mại dâm nào dám hoạt động.
Không phát ngôn nảy lửa, không chỉ thị, không hô khẩu hiệu, không ra quân rầm rộ, không hành xử thô lỗ, ông Nguyễn Sự vẫn triệt được mại dâm.
Vỉa hè ở TP Hội An đã được chỉnh trang, sắp xếp trật tự từ 20 năm trước. Ảnh: Vietnamnet. |
Chuyện lập lại trật tự vỉa hè, hàng rong ở Hội An cũng vậy, ông Sự cùng chính quyền mất cả năm để phân loại người nghèo, người không nghèo, đối thoại với họ, vận động họ, cam kết tạo điều kiện kinh doanh hợp lý cho họ.
Người dân có thể không có chỗ trên một vỉa hè nào đó để đảm bảo trật tự đô thị, nhưng không thể đẩy họ ra rìa cuộc sống.
Ông Sự đã được phong anh hùng. Điều quan trọng nhất khiến ông được phong anh hùng, chính là hình ảnh tuyệt vời của ông trong lòng dân.
Cuộc chiến vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải và cộng sự là cần thiết, nhưng làm sao có thể thành công, nếu thi thoảng, cách làm đó lại đẩy con thuyền lòng dân về phía bờ day dứt?