PV: Bản quyền phát sóng các giải đấu thể thao quốc tế được pháp luật nước ta quy định như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng: Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chúng ta bảo hộ bản quyền truyền hình đối với mọi chương trình phát sóng chứ không riêng các giải đấu thể thao. Chúng ta có Luật sở hữu trí tuệ ban hành và có hiệu lực từ năm 2005 (sau đó được sửa đổi bổ sung vào năm 2009), trong đó Điều 3 xác định các đối tượng bảo hộ bao gồm “Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá”.
Như vậy giải đấu thể thao được bảo hộ cả chương trình phát sóng, cả tín hiệu vệ tinh.
Luật sư Trần đình Dũng |
Điều 35 Luật sở hữu trí tuệ và Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23.2.2018 của Chính phủ qui định nghiêm cấm “Sử dụng chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền trên mạng viễn thông, thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào thực hiện theo thỏa thuận và các quy định pháp luật liên quan. Việc sửa đổi, cắt xén, bổ sung chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền trên mạng viễn thông, thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác phải có sự thỏa thuận với chủ sở hữu chương trình phát sóng”.
Hiện nay mạng xã hội phát triển mạnh nên nhiều hình thức truyền tải lại trên mạng không ít. Vậy những hành vi nào bị liệt vào dạng vi phạm bản quyền?
Các hình thức truyền tải sau đây đối với các trận đấu AFF Cup 2018 nếu không được sự cho phép của Next Media hoặc cho phép trực tiếp từ Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đều là vi phạm:
+ Đối với các cơ quan truyền thông tiếp sóng từ các kênh sóng của vệ tinh, của Next Media, các kênh online, các tín hiệu kỹ thuật khác (IPTV, OTT, Sopcast), truyền phát trên mobile, trên các website.
+ Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi quay, livestream hoặc hình thức kỹ thuật khác rồi đưa lên mạng xã hội như Facebook và các mạng Internet, tổ chức các điểm chiếu phát công cộng. Các hành vi vi phạm này được xem là tái phát sóng.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí khi đưa tin, sử dụng lại và khai thác quảng cáo cũng có thể xem là vi phạm bản quyền phát sóng của Next Media.
Luật sư có thể giải thích rõ hơn việc các cơ quan báo chí đưa tin, đăng bài có thể vi phạm bản quyền như thế nào?
Nhiều tờ báo mạng thường hay đưa lại clip các bàn thắng với độ dài một vài phút và gắn vài giây quảng cáo vào đó, tôi cho rằng như thế là vi phạm bản quyền nếu không được sự đồng ý của bên sở hữu bản quyền trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
Gay cấn bản quyền phát sóng giữa Next Media và VTV? |
Chúng ta lưu ý, ở đây có sự “xung đột pháp luật” giữa quyền sở hữu trí tuệ trong phát sóng về việc sửa đổi, cắt xén chương trình phát sóng để tái truyền trên thông tin điện tử (Điều 33 Nghị định 22/2018/NĐ-CP), xung đột với qui định hoạt động báo chí là cung cấp thông tin (Điều 3 Luật báo chí 2016). Nhưng tôi cho rằng, trong khuôn khổ hoạt động báo chí “cung cấp thông tin” các trận đấu bóng đá của AFF thì phạm vi chỉ nằm ở thông tin kết quả trận đấu, các sự kiện trong diễn biến trận đấu chứ không thể lấy một đoạn phát sóng (clip bàn thắng) để truyền tải lại. Mặc dù trên clip bàn thắng dù có khai thác quảng cáo hay không cũng được xem là tái truyền trên thông tin điện tử, tức vi phạm bản quyền.
Các bản tin truyền hình khi đưa tin cũng tương tự như báo điện tử, nếu trích dẫn quá dài cũng bị xem là vi phạm nếu vượt quá khuôn khổ “cung cấp thông tin” cho người xem đài về tin tức trận đấu.
Lagardere Sports (đơn vị nắm bản quyền giải đấu AFF Cup 2018) đã cấp bản quyền phát sóng cho Next Media ở Việt Nam, nhưng đồng thời cũng cấp một phần bản quyền cho VTV dẫn đến xung đột gây tranh cãi xung quanh việc phát sóng và khai thác quảng cáo. Luật sư có ý kiến như thế nào về việc này?
Thông tin từ đơn vị phát ngôn của Next Media cho biết, Lagardere Sports đã cấp bản quyền tín hiệu truyền dẫn toàn bộ các ngôn ngữ địa phương Việt Nam, trên các Hạ tầng truyền dẫn vệ tinh; Cáp, IPTV, Phát thanh, Internet và mạng di động, với hình thức Trả tiền.
Như vậy, phần “truyền dẫn phát sóng trên nền tảng không trả tiền” không thuộc phạm vi của Next Media và theo thông tin trên báo chí thì VTV có được bản quyền cho hình thức “truyền hình mặt đất”, loại phát sóng truyền thống không phải trả phí mà xưa nay chúng ta thường sử dụng (loại hình này hầu như không còn ai sử dụng ở các đô thị).
Thực ra thì không có việc “chồng lấn” bản quyền phát sóng giữa Next Media và VTV bởi hai bên có bản quyền thuộc hai “nền tảng” phát sóng khác nhau, bên thuộc về trả tiền (Pay TV) còn một bên mang tính phục vụ miễn phí về mặt sở hữu trí tuệ.
Nhưng có thể xảy ra tranh chấp khi các đơn vị khác thuộc truyền dẫn trả tiền khai thác lại từ VTV. Họ có thể đối diện với việc bị Next Media kiện. Nếu vi phạm bản quyền, cá nhân, tổ chức còn có thể bị xử lý hành chính.
Pháp luật qui định về mức phạt hành chính trong lĩnh vực này ra sao?
Hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền phát sóng xảy ra khá nhiều do sự phát triển của internet và thương mại điện tử. Mức phạt cao nhất mà cá nhân, tổ chức phải chịu nếu vi phạm tái phát sóng các trận đấu cúp AFF Cup 2018 là 100.000.000 đồng (Điều 30 Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tác quyền).
Hành vi vi phạm phổ biến nhất hiện nay đối với bản quyền các giải bóng đá là thu sóng rồi phát lại để thu lợi. Nhưng hành vi này chỉ bị phạt khá nhẹ theo Điều 31 Nghị định 131/2013/NĐ-CP “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản sao chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng”.
Chúng ta lưu ý Bộ luật hình sự hiện hành có Điều 225 qui định Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan các hành vi xâm phạm. Nhưng điều luật này không điều chỉnh hành vi xâm phạm bản quyền chương trình phát sóng mà chỉ điều chỉnh các hành vi khác trong lĩnh vực vi phạm này.
Tôi cho rằng để răn đe và phải nói là lập lại trật tự hành xử trong lĩnh vực thực thi quyền các chương trình phát sóng của AFF Cúp nói riêng và các giải bóng đá khác nói chung, Chính phủ cần đưa vào xử lý nặng các hành vi vi phạm.
Cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)