“Khai tử” sóng điện thoại 2G từ ngày 16/9
Theo Thông tư số 03/2024 và số 04/2024 của Bộ Thông tin & Truyền thông, từ ngày 16/9, hệ thống sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị điện thoại chỉ sử dụng sóng 2G, trừ mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa các thiết bị hoặc tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.
Các thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G (2G Only) có nguy cơ không thể sử dụng dịch vụ từ thời gian trên. Nhà mạng cũng không thể can thiệp do giấy phép băng tần 900/1800 MHz - vốn là tần số chính dùng cho dịch vụ 2G tại Việt Nam - khi đó sẽ hết hạn.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước
Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/9/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH bổ sung Điều 9a về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước) được quy định như sau:
- Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH) làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
- Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH).
- Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân
Thông tư số 09/2024/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành quy định tính toán giá bán điện bình quân, có hiệu lực chính thức từ 14/9/2024.
Thông tư 09/2024/TT- BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.
Theo đó, giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm.
Quy định chi tiết về tiền, tài sản liên quan đến khủng bố
Có hiệu lực từ ngày 1/9/2024, Nghị định số 93/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Nghị định này quy định điều kiện, thời hạn, thủ tục, hình thức, thẩm quyền quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố...
Quy định mới về cấp phó của các cơ quan, đơn vị
Nghị định 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9. Một nội dung đáng chú ý của Nghị định này là sửa đổi quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị.
Về số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ, nghị định trên quy định chi cục có 1-3 phòng được bố trí một cấp phó; có từ 4 phòng trở lên được bố trí không quá hai cấp phó; Chi cục không có phòng được bố trí không quá hai cấp phó.
Với Vụ thuộc tổng cục có 15-20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới bốn tổ chức được bố trí không quá hai cấp phó.
Đối với Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ bốn tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 3 người/đơn vị.
Với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Chính phủ, Ban và Văn phòng có 15-20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá hai cấp phó; có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức thì Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 3 người/đơn vị.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 3 người/đơn vị.
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh có từ 20 người làm việc là viên chức trở xuống được bố trí không quá hai cấp phó; có trên 20 người làm việc là viên chức được bố trí không quá ba cấp phó. Quy định này không bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Đối với bệnh viện hạng I trở lên, đơn vị sự nghiệp y tế làm nhiệm vụ kiểm soát và phòng chống bệnh tật tuyến tỉnh hạng I trở lên, trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô từ 40 lớp trở lên thì được bố trí không quá ba cấp phó.
Người dân được vay vốn làm công trình vệ sinh nông thôn
Từ 2/9, Quyết định 10/2024/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chính thức có hiệu lực.
Theo đó, diện được vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn, chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Mức vay tối đa là 25 triệu đồng một khách hàng. Thời hạn vay do Ngân hàng thỏa thuận với khách nhưng tối đa là 5 năm với lãi suất 9%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.