Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền chia sẻ theo thống kê từ CAPA, phần lớn các hãng hàng không trên thế giới sẽ phá sản vào tháng 5 nếu không nhận được hỗ trợ thiết thực từ các chính phủ.
Ông Hiền cũng khẳng định Vietnam Airlines gặp khó khăn chưa từng có vì dịch Covid-19. "Chưa có một kịch bản nào doanh thu của hãng giảm 95% như vừa qua", vị này cho hay.
Theo ông Hiền, Vietnam Airlines dự kiến vẫn lỗ 15.000 – 16.000 tỷ đồng năm nay. Không được bay một tháng, hãng không có doanh thu, trong khi đó chi phí phải chi trả vẫn phát sinh khoảng 2.100 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí thuê tàu bay lên tới 1.300 tỷ đồng, đi kèm là chi phí bảo dưỡng, chi trả lương cho lao động, khấu hao tài sản.
Cũng trong tháng 4, tài khoản hoàn tiền vé cho hành khách đã đặt trước vé của hãng giảm từ hơn 8.800 tỷ đồng vào đầu tháng 3 xuống còn 4.400 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 4.400 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng.
Từ cuối tháng 5, hãng khôi phục được tần suất các chuyến nội địa, lượng khách phục hồi theo hình chữ V nhưng hãng cũng vẫn chưa giảm mức lỗ được xuống 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Hiền, Vietnam Airlines còn "trụ" lại được tới thời điểm hiện tại là nhờ hãng bước vào giai đoạn dịch với tình hình tài chính tốt chưa từng có, giúp hãng vượt qua được thời điểm dịch căng thẳng nhất.
Ông Trần Thanh Hiền trình bày về tình hình tài chính của Vietnam Airlines tại sự kiện chiều 12/6.
Bên cạnh đó, hãng đã tự cắt giảm tối đa chi phí, tiết kiệm 4.300 - 4.500 tỷ đồng trong năm 2020. Hãng cũng đã đàm phán với các đối tác, giảm tiến độ thanh toán hơn hơn 1.000 tỷ đồng từ nay tới 2021.
Tuy nhiên, ông Hiền khẳng định nếu không sớm nhận được hỗ trợ từ Chính phủ với vai trò cổ đông lớn nhất, Vietnam Airlines sẽ cạn tiền mặt vào tháng 8.
Vị này một lần nữa cho biết Vietnam Airlines đang cần Chính phủ hỗ trợ ít nhất là 4.000 tỷ đồng và có thể lên tới 12.000 tỷ đồng để vượt dịch. Hãng đề xuất phương án phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu để huy động thêm 12.000 tỷ đồng này một cách hợp lý nhất.
"Chúng tôi không xin từ ngân sách, chúng tôi vay và chúng tôi sẽ trả. Vietnam Airlines có thừa cân đối tài sản để thanh toán", ông Hiền nói. Ông cho hay đây là điều Vietnam Airlines cần kêu gọi để các chủ sở hữu lớn, bao gồm Nhà nước, có trách nhiệm với khoản đầu tư của mình tại hãng.
Cũng theo ông Hiền, việc Chính phủ có động thái cấp vốn thiết thực sẽ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khác, giúp hãng tiếp cận nguồn vốn nhằm phục hồi sau dịch dễ dàng hơn.
Hãng hàng không quốc gia cũng kiến nghị nguồn hỗ trợ không nhất thiết đến từ ngân sách mà có thể thông qua các doanh nghiệp, pháp nhân quản lý vốn Nhà nước như SCIC để tăng vốn tại Vietnam Airlines.
Đưa ra tương quan so sánh, ông Hiền cho hay các hãng hàng không quốc gia trên thế giới đang nhận cứu trợ lên tới hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD từ các chính phủ, trong khi khoản hỗ trợ mà Vietnam Airlines kiến nghị chỉ tương đương 500 triệu USD, thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Vietnam Airlines cho rằng khoản hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước dưới bất kỳ hình thức nào cũng cần được triển khai kịp thời, có quy mô phù hợp để không tạo gánh nặng cho hãng cũng như cần có cơ chế đặc thù thời Covid-19 do đây là tình huống khẩn cấp.
Hãng cũng đánh giá cao những hỗ trợ về giảm thuế phí từ cơ quan chức năng như giảm phí cất hạ cánh, giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, có thể giúp hãng tiết kiệm 100-200 tỷ đồng tùy loại thuế phí được giảm.