Sáng ngày 19.7, tin vui đã đến với cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM. Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố đã trao quyết định thành lập cho Ban điều hành (BĐH) Hệ sinh thái khởi nghiệp trong các ngành Cơ khí, Chế biến Lương thực thực phẩm và Nhựa Cao su Hóa chất giai đoạn 2017 – 2020.
Cụ thể, BĐH Hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Cơ khí có 19 thành viên từ nhiều trường, viện, đơn vị nhà nước, các vườn ươm cũng như doanh nghiệp. PGS.TS Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa làm chủ tịch Ban điều hành.
Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Spring Capital đảm nhiệm Chủ tịch Ban điều hành gồm 11 thành viên của Hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Chế biến Lương thực thực phẩm.
Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Nhựa Cao su Hóa chất do bà Đặng Mỹ Châu, CEO Topica Singapore Philippine làm chủ tịch. 18 thành viên còn lại gồm các chuyên gia nhiều kinh nghiệm đang công tác tại nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM trao quyết định thành lập cho các BĐH
Cùng với Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT trong ngành Công nghệ thông tin, Ban điều hành 3 Hệ sinh thái khởi nghiệp mới thành lập được kỳ vọng sẽ đem lại sự đột phá mới cho phong trào đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố.
Đồng thời, Ban điều hành của các Hệ sinh thái này cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự kết nối, hợp tác giữa các thành phần trong từng Hệ sinh thái cũng như toàn bộ cộng đồng khởi nghiệp để khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại trong cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM.
Phát biểu tại lễ trao quyết định, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhận định : Phong trào ĐMST, khởi nghiệp muốn phát triển được thì phải có định hướng phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, ông Dũng nhận định có 3 yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của hoạt động ĐMST, khởi nghiệp, trong đó yếu tố thứ nhất chính là sự hợp tác giữa các thành phần trong Hệ sinh thái.
ĐMST, khởi nghiệp không phải việc một cá nhân, tổ chức nào có thể độc lập làm được mà cần nhiều người đến từ nhiều nơi cùng liên kết, đóng góp ý kiến, hợp tác với nhau để cùng làm. Tầm quan trọng của yếu tố này luôn được đề cao trong các sự kiện về ĐMST và khởi nghiệp, điển hình là chuỗi các hội thảo về ĐMST tại các quận huyện, các sở ban ngành và trong doanh nghiệp do Sở KH&CN tổ chức nhân ngày khoa học công nghệ 18.5 vừa qua.
Ngoài sự hợp tác, hoạt động của các hệ sinh thái muốn có hiệu quả rất cần có sự chia sẻ về thông tin, kết quả nghiên cứu giữa các cá nhân, đơn vị trong hệ sinh thái.
Tuy cần có sự hài hòa giữa quyền lợi của người nghiên cứu, sáng chế với lợi ích chung của cộng đồng nhưng xây dựng hệ thống dữ liệu mở để mọi người có thể tham khảo vẫn là điều mà các Ban điều hành Hệ sinh thái cần làm.
BĐH các hệ sinh thái được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phong trào ĐMST, khởi nghiệp.
Các sản phẩm, dịch vụ ra đời từ phong trào ĐMST, khởi nghiệp không thể chỉ bó hẹp tại địa phương mà cần phải vươn qua toàn cầu. Nhưng để làm được điều đó, có một yếu tố mà các doanh nghiệp, startup không thể bỏ qua: Các sản phẩm, dịch vụ muốn phát triển ở thị trường nào cần phải nắm được những đặc điểm, thị hiếu của thị trường đó để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Tại buổi trao quyết định, thành viên Ban điều hành các Hệ sinh thái có những trao đổi thẳng thắn về thực trạng của phong trào khởi nghiệp trong mỗi ngành cũng như của toàn thành phố. Đồng thời, ngay sau đó, các Ban điều hành cũng đã triển khai họp bàn các nội dung cụ thể để phát triển phong trào ĐMST và khởi nghiệp trong lĩnh vực mình phụ trách.