Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) vừa công bố tài liệu bổ sung trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, dự kiến diễn ra vào chiều 24/4 tại NovaWorld Phan Thiet, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, Novaland dự kiến trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP) nhằm thay thế các đợt phát hành đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai trong 3 năm qua do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Theo kế hoạch, Novaland sẽ phát hành 97,5 triệu cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ lên 20.476 tỷ đồng thông qua hai hình thức.
Cụ thể, phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động từ nguồn thặng dư vốn cổ phần với tỷ lệ phát hành dự kiến là 2,5%, số lượng cổ phiếu phát hành dự kiến là 48.752.613 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nguồn vốn thực hiện phát hành cổ phiếu được trích từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024.
Novaland muốn phát hành hơn 97 triệu cổ phiếu ESOP để vừa thưởng vừa bán cổ phiếu ESOP cho người lao động
Phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động với tỷ lệ phát hành dự kiến là 2,5%, số lượng cổ phiếu phát hành dự kiến là 48.752.613 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thời gian thực hiện dự kiến cả hai phương án này là trong năm 2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo bằng văn bản về việc nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành của Công ty.
Như vậy, nếu so với mức giá đang dao động trên thị trường là 9.600 đồng/cổ phiếu, thì mệnh giá phát hành ESOP cao hơn khoảng 400 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, cách làm này đặt ra câu hỏi về mức độ hưởng ứng từ người lao động, cũng như khả năng tác động của ESOP đến giá cổ phiếu trong thời gian tới.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, một chuyên gia tài chính cho biết, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) là hình thức được nhiều doanh nghiệp áp dụng để giữ chân nhân tài hoặc để chi thưởng người lao động thay cho tiền mặt. Song cần lưu ý, các cổ đông nội bộ sẽ chỉ hưởng lợi thực sự với ESOP khi giá cổ phiếu duy trì ổn định hoặc tăng lên.
“Dù phát hành với tỉ lệ được kiểm soát, song việc giá chào bán cổ phiếu ESOP cao hơn với thị giá vẫn sẽ gây xung đột lợi ích nhất định. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp khó bán hết cổ phiếu ESOP nếu có các điều khoản quy định phải giữ cổ phiếu trong vòng 2 - 3 năm mới được bán ra. Nhiều người lo ngại trong khoảng thời gian này giá cổ phiếu sẽ giảm, thậm chí giảm về thấp hơn giá mua nên không dám nhận “phần thưởng” này” - vị này nói.
Về phía doanh nghiệp, chuyên gia này nhấn mạnh, việc không sử dụng tiền mặt trực tiếp để tặng thưởng cho thành tích của nhân viên, mà thông qua lợi nhuận lâu dài từ hoạt động kinh doanh sẽ giúp công ty giữ lại một số tiền thưởng lớn trở thành vốn để quay vòng, phục vụ tái đầu tư, mở rộng. Đồng thời, khi phát hành cổ phiếu ESOP thành công, doanh nghiệp có thể gia tăng vốn điều lệ. Đây là nguồn lực cần thiết giúp doanh nghiệp đối phó với những thách thức trong môi trường kinh tế biến động.
Dù vậy, bên cạnh những lợi ích, doanh nghiệp và cổ đông sẽ phải đối mặt với những rủi ro khác nhau. Đó là việc phát hành ESOP pha loãng cổ phiếu.
“Việc phát hành cổ phiếu ESOP sẽ trực tiếp ảnh hưởng và tác động lên lợi ích của cổ đông. Bởi, nguồn lực tài chính để xây dựng chiến lược ưu đãi, cổ phiếu thưởng được rút ra từ một phần tài sản công ty, tối đa không quá 5% tổng cổ phần đang lưu hành. Do vậy, khi ESOP được phát hành, cổ phiếu sẽ bị pha loãng, từ đó ảnh hưởng đến thị giá” - chuyên gia này nói thêm.
Trước đó, trong nội dung trình đại hội cổ đông 2025 (dự kiến vào 24/4 tới), Novaland đưa ra 2 phương án về kế hoạch kinh doanh năm 2025. Theo đó, kế hoạch doanh thu thuần 2025 theo phương án 1 là 13.411 tỷ đồng, phương án 2 là 10.453 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế 2025 theo phương án 1 là lỗ 12 tỷ đồng, phương án 2 là lỗ 688 tỷ đồng. Lý giải về lý do lên kế hoạch như trên, Novaland cho biết, yếu tố ảnh hưởng nhất đến kết quả kinh doanh của Novaland vẫn là tiến độ tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án. Do vậy, 2 phương án về kế hoạch năm 2025 được Novaland đề xuất hết sức thận trọng, căn cứ vào 2 kịch bản tháo gỡ pháp lý, một phương án trong tình huống nhiều thuận lợi và một phương án trong tình huống ít thuận lợi hơn. Với việc đặt ra 2 phương án là do Novaland luôn bám sát vào chiến lược kinh doanh, đồng thời nhìn thẳng vào thực tế, dự phòng các yếu tố bất lợi, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn rất nhiều khó khăn và áp lực như hiện tại. |