Ngày 06/10, Công ty Cổ phần Dầu Thực vật Tường An (HOSE: TAC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016. Tại đại, cổ đông TAC đã thông qua việc bầu Ông Trần Lệ Nguyên vào giữ chức thành viên hội đồng quản trị của TAC.
Cuộc họp hội đồng quản trị đầu tiên của Tường An diễn ra ngay sau đó cũng đã bầu ông Nguyên trở thành tân Chủ tịch của doanh nghiệp có thị phần thứ 2 ngành dầu ăn này.
Ông Trần Lệ Nguyên - CEO KIDO vừa trúng cử chủ tịch HĐQT TAC |
Phát biểu sau khi nhận chức, ông Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi về đây là để mang lại giá trị. Anh em ở đây đã thấy được sự đóng góp của chúng tôi vào giá trị của TAC thì mới đồng lòng, cùng bắt tay vào việc tái cấu trúc công ty.”
Việc KIDO đã quyết định chi gần 1.000 tỷ đồng đầu tư vào TAC chứng tỏ KIDO đang xem doanh nghiệp dầu có thị phần thứ 2 cả nước này là “át chủ bài” trong kế hoạch kinh doanh dài hơi của mình.
“Đối với chúng tôi, điều e ngại nhất đó chính là không có doanh thu. TAC có doanh thu lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận biên hiện tại vẫn rất thấp, đó chính là điểm mấu chốt của vấn đề. Nếu TAC đang hoạt động tốt thì chẳng có việc gì cho chúng tôi làm. Lợi nhuận từ thương vụ này là không đáng kể”, Ông Nguyên nói.
TAC trước nay đã bỏ trống thị trường phía Bắc. TAC cũng chưa khai thác được các sản phẩm cao cấp hơn. Ông Nguyên cho biết sau khi tham gia vào TAC thì việc đầu tiên mà ông sẽ làm đó làm thúc đẩy phát triển kênh phân phối, sau đó là đa dạng hóa và tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời ông Nguyên cũng tự tin cho rằng trong 1 năm tới, lợi nhuận ròng của TAC chắc chắn sẽ tăng ít nhất là 50%.
Dầu Tường An rất được người tiêu dùng tín nhiệm sử dụng |
Trước đến nay, nhiều đánh giá rằng hệ thống phân phối vốn là thế mạnh nhất của KIDO. Thế nhưng khi đầu tư 65% vốn vào TAC và Vocarimex (VOC), Ông Nguyên cho biết KIDO đã nhìn về một hướng xa hơn nữa…
“Ngành dầu ăn cả nước có đến 450.000 điểm, trong khi mì gói là 220.000 điểm và ngành bánh kẹo chỉ 100.000 điểm. Nếu chúng tôi làm tốt thị phần dầu ăn, tương lai sau này chúng tôi có thể nắm một hệ thống phân phối khổng lồ. Đó là cái mà những nhà đầu tư nước ngoài khó cạnh tranh được với những người đi trước, do đó nếu họ muốn đưa hàng vào Việt Nam sẽ phải tìm đến chúng tôi”.
Thương vụ thành công nhất mà ông Nguyên đã thực hiện là thương vụ mua lại nhà máy kem Wall’s từ Unilever với mức 20 triệu USD vào năm 2003.
Trao đổi tại CEO Forum 2016, ông Nguyên cho biết, khi mới tiếp quản thương hiệu này, doanh số của kem Wall's chỉ là 90 tỷ, đến ngày hôm nay đã lên tới 2.000 tỷ. Lợi nhuận ước tính có thể lên 230 - 240 tỷ đồng trong năm 2016. Đến nay, đã có đơn vị sẵn sàng trả 200 triệu đô để mua lại nếu Kido thoái vốn.
Hiện tại, ông Nguyên còn là chủ tịch HĐQT chứng khoán Rồng Việt (VDS) sau khi đầu tư để nắm 35% vốn VDS.
Dù vậy, không phải thương vụ đầu tư nào cũng đem đến thành công. Ông Nguyên cũng từng thất bại trong một số thương vụ đầu tư. Mảng mì gói của KIDO hiện nay cũng được cho "khó nhằn".
“Làm doanh nghiệp phải mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng phải biết cách chấp nhận sự thất bại khi những kịch bản ngoài toan tính xảy đến. Nếu không được là phải dừng lại, còn nếu chúng ta cầm trên tay 10.000 tỷ, nghĩ rằng chỉ mất một hai trăm tỷ thì không ăn thua gì và tiếp tục nhồi thêm vốn vào đó là sai lầm lớn,” ông Nguyên chia sẻ.
Kido thu 106 tỷ đồng từ việc bán kem trong 6 tháng đầu năm
(Tieudung24h.vn) - 6 tháng đầu năm nay Kido thu về 106 tỷ đồng từ việc bán kem. Đây là doanh thu rất lớn mà Kido có được, và dự kiến con số đó còn lên cao hơn trong 6 tháng cuối năm. |