Tuy nhiên, để kiểm soát được BHĐC, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có các chế tài phù hợp với thực tế.
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chiếm 92% doanh thu
Thời gian qua, hoạt động BHĐC vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, tiếp tục lôi kéo người dân tham gia góp vốn kinh doanh, đẩy nhiều gia đình điêu đứng khi bị chiếm dụng vốn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2017 cả nước có 36 DN BHĐC đang hoạt động, giảm 12% so với cuối năm 2016, giảm 46% so với tổng số DN được cấp phép theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Lực lượng chức năng xử phạt 4 DN BHĐC có hành vi vi phạm pháp luật về BHĐC với tổng số tiền phạt 490 triệu đồng.
BHĐC chủ yếu tập trung vào 2 nhóm mặt hàng là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, chiếm 92% doanh thu, trong đó riêng thực phẩm chức năng chiếm tới 72%; từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm 3%. Tổng số hoa hồng DN BHĐC đã chi trả cho người tham gia BHĐC trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 986 tỷ đồng, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu toàn ngành. Điều đáng nói là số tiền chi trả hoa hồng cho BHĐC khá nhiều nhưng nếu chia đều cho gần 362.000 người đang tham gia BHĐC thì thu nhập bình quân chỉ khoảng 2,7 triệu đồng/người/năm.
|
Trụ sở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Ảnh: Chiến Công |
Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động BHĐC, các cơ quan quản lý, đặc biệt là TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động này. Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương giám sát việc tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm, tập huấn cho người BHĐC… Thông qua hoạt động này, ngành công thương hạn chế những vi phạm của DN BHĐC. Số lượng DN BHĐC cũng vì thế đã giảm so với trước đây. Hiện trên địa bàn Hà Nội có 31 DN đang hoạt động theo hình thức này (giảm 8,8%) so với cuối năm 2016; giảm 45,6% so với tổng số DN đã thông báo hoạt động theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Đặc biệt, người dân cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về hoạt động BHĐC nên số lượng người tham gia cũng giảm rõ rệt. Thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có 68.289 người tham gia BHĐC (giảm 24% so với năm 2016).
Cần sớm ban hành Nghị định quản lý BHĐC
Mặc dù số lượng các DN BHĐC đã giảm, tuy nhiên dấu hiệu vi phạm, lừa đảo và biến tướng trong hoạt động BHĐC vẫn diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn như kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp… Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số quy định tại các văn bản có liên quan đến hoạt động BHĐC còn chưa chặt chẽ, không phù hợp thực tế. Cụ thể, Nhà nước chưa có quy định về kiểm soát giá của sản phẩm BHĐC, lợi dụng lỗ hổng này DN BHĐC bán giá cao gấp hàng trăm lần so với giá mua vào, sau đó phân phối trong hệ thống được xây dựng từ những cá nhân góp vốn, gây thiệt hại cho người dân. Trong khi đó, về thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hoạt động BHĐC mặc dù đã được quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BCT về quản lý BHĐC... nhưng khi Sở Công Thương phát hiện sai phạm lại không có thẩm quyền xử lý. Mức xử lý vi phạm cao nhất đối với DN hoạt động BHĐC vi phạm quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP cũng chỉ từ 30 - 50 triệu đồng, người tham gia BHĐC chỉ 3 - 5 triệu đồng nên không đủ sức răn đe.
Để kiểm soát được hoạt động BHĐC trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hoạt động BHĐC thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và Thông tư số 24/2014/TT-BCT. Việc sửa đổi theo hướng, cho phép Sở Công Thương được quyền xử lý vi phạm trong hoạt động BHĐC. Đồng thời Bộ Công Thương đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an tiếp tục điều tra, xác minh các dấu hiệu lừa đảo người dân, qua đó xử lý nghiêm minh, kịp thời các hoạt động BHĐC biến tướng. Như thế mới có thể hạn chế các vi phạm trong loại hình kinh doanh này.