Hoạt động nhượng quyền thương mại được đánh giá là khá sôi động ở Việt Nam (VN) trong thời gian gần đây và dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tính đến năm 2016, cơ quan này đã cấp tới trên 150 giấy phép đăng ký kinh doanh nhượng quyền. Đáng chú ý, có tới bảy giấy phép nhượng quyền ra nước ngoài, nhiều nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và ẩm thực.
Còn non trẻ ở Việt Nam
Đến nay Saigon Co.op đã có chín cửa hàng Co.op Food kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu, dù nhà bán lẻ này mới triển khai mô hình mới này chưa đầy một năm. Những cửa hàng trên kinh doanh chủ yếu hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm và đồ dùng.
Theo đó, những tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về diện tích, vị trí, thời gian sử dụng mặt bằng dài hạn và đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật đều có thể tham gia kinh doanh cửa hàng Co.op Food theo hình thức nhượng quyền thương hiệu. Lợi ích của hình thức nhận nhượng quyền này là đối tác có thể khai thác tối đa thương hiệu Co.op Food, được hỗ trợ tối đa về nhiều mặt cả trước và sau khai trương.
Dù mới vào thị trường Việt Nam chưa lâu nhưng thương hiệu Miniso của Nhật Bản thông qua nhượng quyền thương hiệu với Tập đoàn Lê Bảo Minh cũng đã có 12 cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM. Hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới khác cũng tương tự.
Tuy việc nhượng quyền thương hiệu diễn ra khá nhộn nhịp nhưng bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về nhượng quyền, Chủ tịch Công ty Retail& Franchise Asia, nhận xét: Nhượng quyền đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng ngành này vẫn còn non trẻ tại VN. Do đó việc doanh nghiệp (DN) Việt chưa vận dụng được hình thức này để phát triển thương hiệu là điều dễ hiểu.
Thực tế cho thấy tại VN các thương hiệu VN mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu thử nghiệm việc nhượng quyền ở trong nước, tức “ta tắm ao ta”. Đặc biệt, dù đã có khá nhiều chuỗi bán lẻ của người Việt hoạt động ở VN nhưng chủ yếu là tự sở hữu chi nhánh của mình chứ nhượng quyền còn rất khiêm tốn.
Saigon Co.op là nhà bán lẻ nội tiên phong trong phát triển mạng lưới phân phối thông qua hình thức nhượng quyền Co.op Food. Ảnh: TÚ UYÊN |
Lý giải về điều này, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng nhượng quyền tại thị trường VN chưa phát triển do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn khi nhận nhượng quyền, bên mua nhượng quyền phải tuân thủ những quy định rất khắt khe của bên bán… để đảm bảo không ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu “mẹ” tại các khu vực khác. Thế nhưng tính tuân thủ của các bên mua nhượng quyền tại thị trường VN còn chưa được đánh giá cao.
Một nhà bán lẻ lớn tại TP.HCM cũng cho rằng dù nhượng quyền là một trong những cách vươn dài ra thị trường nhưng vẫn được công ty xem xét rất cẩn trọng, nếu không sẽ làm mất uy tín thương hiệu. “Chúng tôi lo ngại đối tác chưa tuân thủ một số quy định về kinh doanh hàng hóa, vận hành” - đơn vị này chia sẻ.
Mảnh đất màu mỡ
Một chuyên gia chuyên tư vấn cho các công ty nước ngoài đến VN bán nhượng quyền nhận định xu hướng nhượng quyền vào VN trong thời gian tới sẽ là ẩm thực, bán lẻ, dịch vụ giáo dục, y tế, sức khỏe và đào tạo kinh doanh. Trong khi xu hướng nhượng quyền từ VN đi ra vẫn là ẩm thực.
Song đáng buồn là ở thời điểm hiện tại những thương hiệu ẩm thực VN như phở, bún bò, gỏi cuốn, bánh mì… nhượng quyền ra nước ngoài chủ yếu lại không bắt nguồn từ DN VN mà lại xuất phát từ nước ngoài. Ví dụ, phở VN bán nhượng quyền xuất xứ từ Hàn Quốc. Tương tự, một số nhãn hiệu như bánh mì, gỏi cuốn… bán nhượng quyền từ Mỹ.
Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân dự báo trong ba năm tới sẽ có nhiều thương hiệu quốc tế và khu vực tiếp tục nhượng quyền mạnh mẽ vào VN. Điều này sẽ giúp cho ngành ngày càng phát triển và giúp các DN Việt học hỏi được nhiều hơn trong việc xây dựng nền tảng nhượng quyền.
“Để có thể nhượng quyền bền vững và thành công, DN Việt cần phải xây dựng các nền tảng hỗ trợ vững chắc. Đặc biệt là vấn đề nhân sự, phát triển hệ thống nhượng quyền, pháp lý… Nhượng quyền là mô hình rất dễ nhưng cũng cực khó. Nếu xây dựng nền tảng vững mạnh rồi, nhượng quyền trở thành hình thức phát triển hiệu quả nhất và nhanh nhất. Nếu bỏ qua giai đoạn xây dựng nền tảng hỗ trợ hay tiết kiệm không đầu tư xây dựng nền tảng một cách chuyên nghiệp, nhượng quyền sẽ trở thành hình thức phát triển nhiều rủi ro nhất” - bà Vân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Tùng cho rằng nhượng quyền là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình thương mại hóa toàn cầu. Do vậy, thay vì tránh né, DN Việt cần phải học hỏi, khai thác và sử dụng nó sao cho thật hiệu quả.
|