Chúng ta làm tốt nhưng còn có thể làm tốt hơn - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, diễn ra sáng 10/3.
Vai trò thực thi của cán bộ
Thời gian qua, nhiều chính sách ở cấp T.Ư của Việt Nam đã thay đổi tốt theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên giữa chính sách và thực thi thực tế có khoảng cách khá lớn. Ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân dẫn chứng, trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 19, yêu cầu điện tử hóa các giao dịch hành chính như đưa vào vận hành Cổng hải quan một cửa quốc gia, kết quả chuyển đổi hình thức thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) mảng xuất nhập khẩu (XNK) từ nộp hồ sơ giấy lên thành hồ sơ điện tử trên Cổng một cửa quốc gia là quá ít, hình thức (chỉ nộp điện tử, nộp trực tiếp bản giấy với bộ hồ sơ còn lại), DN chưa nhận thấy có động thái nghiên cứu cải thiện từ phía Bộ chuyên ngành. Hoặc trong quá trình ban hành và điều chỉnh chính sách để thực thi Nghị quyết 19, nhiều cơ quan thiếu cân nhắc đến chủ trương chiến lược và yêu cầu đánh giá tác động chính sách nên cải cách khâu này lại gây ra vướng mắc lớn cho khâu khác dẫn đến DN khó khăn vẫn hoàn khó khăn, thậm chí còn nặng gánh hơn. Như “Điều 192 Bộ Luật Hình sự, Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô, thuế nhà thầu áp dụng với hàng hóa gửi kho ngoại quan đang gây ra những hậu quả nặng nề với DN kinh doanh kho ngoại quan do sụt giảm lượng hàng hóa gửi từ các DN nước ngoài" - ông Đào Huy Giám nói.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng. |
Ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng Giám đốc Vinatex cho hay, ngành dệt may có lưu lượng XNK lớn, hằng năm, phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông, XNK gần 1,7 triệu tấn sơ, nguyên phụ liệu dệt may… Tuy nhiên, các TTHC, thông quan và kiểm tra chuyên ngành rườm rà, phức tạp vẫn còn đang gây rất nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian và chi phí cho DN. Thậm chí, một số quy định sửa đổi mới lại mang tính “thụt lùi” so với quy định cũ, ví dụ trước đây đơn vị nhập khẩu chỉ cần chứng minh thuê một đơn vị khác sản xuất cho mình là có thể nhập khẩu hàng không thu thuế với các thủ tục đơn giản. Nhưng theo quy định mới, DN phải chứng minh có nhà xưởng máy móc thực sự thì mới được chấp nhận.
Trên thực tế, nhiều bộ, ngành địa phương vẫn ban hành các chính sách và quy định mới gây khó khăn và tạo gánh nặng lớn cho DN. Như số đông DN đang quan tâm là quy định thu phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Cách xử lý của các bộ, ngành như trên có thể nói, chưa mang lại niềm tin cho cộng đồng DN và chưa truyền tải được tinh thần của Chính phủ kiến tạo, hành động vì phát triển kinh tế", các Hiệp hội cho biết và khẳng định "tình trạng ''trên rải thảm đỏ dưới rải đinh" vẫn phổ biến và như thế, khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nên sức bật cho kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng theo tinh thần Nghị quyết 19 năm 2017 mà Chính phủ mới ban hành dường như vẫn còn khá xa.
Là người trực tiếp theo dõi 3 năm Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư CIEM Nguyễn Đình Cung chia sẻ bài học kinh nghiệm là phải có kết quả cụ thể tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho DN, tập trung giải đáp các văn bản cụ thể đã được xác định trong Nghị quyết. Cần có cam kết của người đứng đầu, “phải có hành động quyết liệt trên nhiều tuyến phối hợp chặt chẽ với sự quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của người đứng đầu các bộ và yêu cầu trách nhiệm giải trình để có được kết quả số nhân chứ với kết quả phép cộng nho nhỏ khó thành công” - ông Cung nhấn mạnh.
Cũng nhấn mạnh đến vai trò của cán bộ trong thực thi Nghị quyết 19, ông Vũ Quang Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng: “Nghị quyết 19 được ban hành để đưa hệ thống công quyền gần gũi và lắng nghe DN, người dân nên đưa Nghị quyết 19 đến từng cán bộ là biện pháp quan trọng nhất để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Không để có nghị định rồi phải đợi thông tư
Ba năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, trong đó năm 2016 tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82), đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, so với mục tiêu ASEAN 4 là xếp thứ 43 khoảng cách cần đạt được rất lớn. Cùng thời gian này, thứ hạng của năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lại không tốt lên. “Trong một thời gian dài chúng ta đã quá kém giờ đây phần khởi nhưng đừng quên rằng chúng ta còn rất kém. Chúng ta làm tốt nhưng còn có thể làm tốt hơn” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá.
“Nếu môi trường kinh doanh được cải thiện tốt thì không có cảnh luật sư “chạy theo” DN đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh như các hàng photo, hiệu thuốc chạy theo trường học, bệnh viện” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói khi nhận định về hiệu quả của việc cải thiện môi trường kinh doanh. Phó Thủ tướng cho rằng, phải siết chặt kỷ cương, từ bỏ những “lợi ích cục bộ” của bộ, ngành, lợi ích cá nhân của cán bộ thực hiện thì mới có được những chính sách tốt.
Ghi nhận những kiến nghị của DN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra nhận định: “DN đã có lòng tin để nói ra những bức xúc của mình nên cần có cơ chế để tiếng nói của cộng đồng DN không chỉ đến với Chính phủ mà còn được trao đi đổi lại là rất quan trọng”.
Liên quan đến Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh giải trình, “vừa rồi Chính phủ mới ban hành Nghị định đã quy định rõ điều kiện đánh giá sự phù hợp, dựa trên đó Bộ KH&CN sẽ sửa đổi trên cơ sở nghị định này. Trong 1 - 2 tháng tới, các văn bản liên quan đến sự chuẩn hợp quy sẽ ban hành. Phó Thủ tướng ngắt lời: “Trước kia bảo thông tư vướng nghị định, giờ nghị định ra thì phải ban hành thông tư ngay, không để nghị định ban hành rồi còn đợi thông tư, phải có cam kết mạnh mẽ”.
Nghị quyết 19 năm 2017, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Cụ thể, đến hết 2017, đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh; Giai đoạn 2017 - 2020, cải thiện điểm số và thứ hạng trên 4 nhóm trụ cột: Môi trường kinh doanh (theo WB); Năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo WEF); Đổi mới sáng tạo (theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới); và Chính phủ điện tử (theo Liên Hợp quốc). Trong đó, gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với gần 250 chỉ tiêu cụ thể. |
Chúng ta vạch ra năm 2035 thoát khỏi bẫy trung bình, tức GDP hàng năm phải tăng trên 8% phải bền vững bảo vệ môi trường, lo cho người nghèo, còn gọi là phát triển bao trùm. Mấy năm nay tăng trưởng vật lộn 6%, có viển vông không? Câu hỏi đặt cho tất cả chúng ta. Nếu chúng ta không cải thiện kinh doanh vượt lên, không thể tà tà như mấy năm rồi thì chắc chắn mục tiêu 2035 là không thể. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam |