“Không chịu lớn” vì thuế, phí
Việt Nam hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh. Khu vực này được coi là “xương sống” trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ công, nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế và khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Điều đáng nói, một phần không nhỏ trong số đó hoàn toàn có đủ điều kiện thành lập DN nhưng vẫn chọn cách “an phận” với mô hình hộ kinh doanh, bởi rào cản thuế, phí và năng lực.
Trên thực tế, để thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển lên thành DN, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Chẳng hạn, theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN sẽ được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí.
Cụ thể, được miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu. DN cũng được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu. Đồng thời họ còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định pháp luật về đất đai… Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng đa phần hộ kinh doanh vẫn ngại chuyển đổi, chủ yếu do chính sách ưu đãi chưa đủ sức hấp dẫn.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại làng nghề mây tre đan Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hải Linh
Giám đốc Economica Việt Nam Lê Duy Bình cho biết, có nhiều lý do khiến hộ kinh doanh ngại lên DN. Vấn đề lớn nhất theo quan điểm của ông Bình, đó là chi phí tuân thủ cho hình thức cá nhân kinh doanh theo mô hình DN tư nhân trở nên “quá sức chịu đựng” với họ. Các chi phí này đến từ các quy định hiện hành đối với đăng ký kinh doanh, các yêu cầu về trụ sở, chế độ kế toán, báo cáo tài chính, thuế, lao động, bảo hiểm xã hội.
Dưới góc độ hộ kinh doanh, chị Nguyễn Hải Yến, tiểu thương chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) cho hay: “Hộ kinh doanh như chúng tôi cơ bản chỉ phải nộp thuế theo mức khoán, nhưng nếu thành lập DN sẽ phải tuân thủ các quy định về kế toán, hóa đơn, đặc biệt là thuế thu nhập DN rất cao”.
Trên thực tế, nếu so sánh nghĩa vụ thì hộ kinh doanh đang dễ thở hơn nhiều so với DN. Cụ thể, hộ kinh doanh chỉ phải đóng thuế môn bài từ 300.000 - 1 triệu đồng/năm, tùy doanh thu; thuế thu nhập cá nhân 0,5%; thuế giá trị gia tăng 1%. Trong khi đó, DN phải chịu thuế thu nhập DN 20% nếu kinh doanh có lãi.
Miễn thuế 3 năm, hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ tài sản
Theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển DN nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển DN nhỏ và vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu DN. Như vậy, trong vòng 5 năm tới, mỗi năm trung bình Việt Nam phải có thêm 200.000 DN.
Trong bối cảnh DN rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số DN thành lập mới, các chuyên gia cho rằng khả thi nhất là khuyến khích các hộ kinh doanh lên thành DN nhỏ. Để thành công, cần giải quyết những hạn chế, bất cập, có cơ chế chính sách khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành DN. Trong đó, ưu đãi về thuế là điều cần thực hiện.
Cơ chế thuế khoán nhanh và gọn, nhưng không minh bạch, dễ dẫn đến thất thu ngân sách và tạo ra cơ chế “xin – cho”. Do đó, cần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN siêu nhỏ, được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi và đóng thuế đầy đủ về lâu dài. Cụ thể, có thể xem xét miễn thuế thu nhập trong 3 – 5 năm đầu để nuôi dưỡng nguồn thu, bởi với DN đây vẫn là gánh nặng. TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. |
Tại hội thảo “Bức tranh kinh tế Việt Nam 2025 và những chính sách kinh tế cần quan tâm” mới đây, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng DN tư nhân tại Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết và sức cạnh tranh yếu. Nghị quyết mới về DN tư nhân (sắp ra đời) được kỳ vọng sẽ khắc phục những điểm yếu này bằng loạt giải pháp mạnh mẽ.
Đặc biệt, có thể có những chiến lược riêng cho DN lớn, vừa và nhỏ, cũng như có chính sách để thúc đẩy 5 triệu hộ kinh doanh tiến lên thành lập DN. Theo ông Đậu Anh Tuấn, nên chuyển sang mô hình DN giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp và cạnh tranh.
“Chúng ta có thể mạnh dạn miễn thuế 3 năm cho các hộ kinh doanh trở thành DN” - Phó Tổng thư ký VCCI đề xuất.
Còn theo TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, thực tế có rất nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành DN để mở rộng cơ hội kinh doanh, nhưng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có nhiều nhưng dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập DN, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Để hộ kinh doanh mạnh dạn “lên đời” DN, cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, trong 1 - 2 năm đầu chuyển đổi, có thể miễn thuế thu nhập DN. Trong đó, lưu ý các điều kiện đi kèm, bảo đảm việc thực hiện chính sách đúng đối tượng, tránh lợi dụng. Cùng với đó, phải đơn giản hóa thủ tục thành lập và hỗ trợ họ trong công tác kế toán, quản lý. Phải xây dựng một hệ sinh thái thông thoáng cho các DN nhỏ và vừa.
Trong 5 năm đầu thành lập, phải đưa ra quy định để DN dưới 10 lao động dễ dàng hoạt động, không nên áp dụng quản lý phức tạp. Nếu làm được điều đó, TS Tô Hoài Nam tin tưởng, con số 2 triệu DN đến năm 2030 hoàn toàn có thể đạt được.
Trước đó, tại hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025, để khuyến khích hộ kinh doanh lớn dần, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh, với thời hạn trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế...
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết nhằm phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư khóa XII nêu rõ phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong đó có nội dung: “Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình DN thông qua các chính sách như: miễn, giảm thuế thu nhập DN, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập DN, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh...”.
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên quyền kinh doanh bị hạn chế trong các giao dịch cần đơn vị có tư cách pháp nhân; đồng thời không được hoạt động ở một số lĩnh vực yêu cầu về điều kiện kinh doanh như: ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm... Vì vậy, nên khuyến khích phát triển hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN để nâng cao tính chuyên nghiệp, mở rộng cơ hội đầu tư. Giám đốc Economica Việt Nam Lê Duy Bình |