Theo Engadget, mảng kinh doanh này đã được bán cho FIH Mobile với giá 350 triệu USD. Đây cũng chính là nơi ra đời những con dế bình dân như Nokia 222 và 230 trước đây. Cũng theo thỏa thuận này, Microsoft còn chuyển giao cả nhà máy sản xuất điện thoại Nokia tại Bắc Ninh, Việt Nam cho đối tác mới. Thêm vào đó, 4500 công nhân chịu trách nhiệm sản xuất điện thoại feature của Nokia cũng có cơ hội chuyển sang làm việc ở Foxconn.
FIH Mobile thuộc tập đoàn công nghệ Hon Hai/Foxconn trong khi HMD Global có trụ sở ở Phần Lan. Là một phần trong thỏa thuận, FIH Mobile sẽ chịu trách nhiệm quản lý Microsoft Mobile Việt Nam, nhà máy sản xuất điện thoại Nokia của công ty tại Bắc Ninh. Cho tới khi hoàn tất giao dịch, khoảng 4.500 nhân sự sẽ được chuyển giao hoặc có thể gia nhập FIH Mobile hay HMD Global theo luật địa phương.
Thông tin này không gây bất ngờ vì trước đó, một số nguồn tin cho biết, sau khi kết thúc quý I/2016 với chỉ 15 triệu chiếc điện thoại phổ thông được bán ra, Microsoft có ý định đóng cửa mảng kinh doanh này.
Hình minh họa. |
Nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam có vốn đầu tư 302 triệu USD, trước đây thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Nokia. Tuy nhiên sau khi Microsoft tiếp quản thương hiệu Nokia, nhà máy này chuyển quyền sở hữu sang Microsoft và đổi tên thành Microsoft Mobile Việt Nam vào cuối tháng 12/2014. Microsoft Mobile Việt Nam (hay còn gọi là nhà máy Microsoft Bắc Ninh) được lựa chọn là nhà máy trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Microsoft.
Hiện nay, tuy vẫn đứng ở vị trí số 3 thế giới, nhưng thị phần của Windows Phone vào quý 4/2015 chỉ ở mức 1,1% (so với 80,7% của Android và 17,7% của iOS).
Thực tế, việc Microsoft từ bỏ dòng điện thoại di động cơ bản là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, dòng sản phẩm này đã không thể hợp nhất vào hệ sinh thái Windows và gia đình thiết bị Microsoft.
Nhà máy Microsoft Việt Nam. |
Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy quyết định mua lại mảng phần cứng của Nokia từ cựu Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer thực sự là một sai lầm lớn. Kể từ thương vụ trị giá nhiều tỷ USD đó, Microsoft vẫn chưa thể tạo dựng được chỗ đứng đáng kể trên thị trường di động, trong khi lại phải oằn mình gánh thêm những khoản lỗ từ điện thoại Nokia.
Dù vậy, Microsoft vẫn trấn an người dùng rằng hãng sẽ tiếp tục "hỗ trợ" Windows 10 Mobile và những thiết bị như Lumia 950, song không nhắc đến việc có tiếp tục sản xuất smartphone nữa hay không. Trong thông báo phát đi cũng có một dòng nói rằng đối tác mới sẽ "hỗ trợ" những đối tác phần cứng truyền thống của Windows Phone như Acer, Alcatel, HP, Trinity hay VAIO.
Trong thương vụ sáp nhập bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia năm 2014, Microsoft sở hữu quyền sử dụng tên Nokia cho các smartphone đến năm 2024. Tuy nhiên, Microsoft kiếm tiền từ các bằng phát minh dùng trên Android còn nhiều hơn số thu về từ việc bán thiết bị Windows Phone. Do đó, giới phân tích kỳ vọng hãng này sẽ sớm tung ra mẫu điện thoại Surface Phone nhằm tạo nên dấu ấn mới trên thị trường.
Tập đoàn phần mềm Mỹ sẽ chuyển nhượng toàn bộ các hạng mục sở hữu trọng yếu về điện thoại truyền thống, gồm thương hiệu, phần mềm và dịch vụ, mảng chăm sóc khách hàng và các tài sản khác, hợp đồng với khách hàng và các thỏa thuận cung ứng quan trọng, tuân thủ theo luật địa phương.
Giao dịch dự kiến được hoàn tất vào nửa sau năm 2016, tùy thuộc vào các phê duyệt nguyên tắc và các điều kiện hoàn tất phát sinh khác.
Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải thành lập năm 1974 tại Đài Loan, là tập đoàn công nghệ lớn thứ ba thế giới về doanh thu, sau Apple và Samsung. Doanh thu chính của Foxconn đến từ việc gia công điện thoai iPhone và tập đoàn này cũng nổi tiếng với các vụ tự tử của công nhân do chế độ làm việc khắc nghiệt. Tháng 3/2007, Foxconn bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2015, Foxconn đã có tới 3 nhà xưởng ở Bắc Ninh và Bắc Giang với tổng diện tích sản xuất lên tới 450ha, với sản phẩm đa dạng trên nhiều lĩnh vực liên quan đến máy tính, công nghệ thông tin, hàng điện tử tiêu dùng, linh kiện ôtô… |