Báo cáo tại “Hội nghị gặp gỡ giữa UBND TP Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô” chiều ngày 25/8, bà Phan Lan Tú – Giám đốc Sở TT&TT Hà Nôi cho biết, trong năm 2016 và 8 tháng năm 2017, Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp đột phá để cải cách hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.Do đó Hệ sinh thái khởi nghiệp Hà Nội đang phát triển sôi động. Cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển với tốc độ ấn tượng, nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ra đời và hoạt động có hiệu quả, các dự án khởi nghiệp được nhiều Nhà đầu tư quan tâm, là những thông điệp rất tích cực đối với sự phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp Thủ đô.
|
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú báo cáo về tình hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp hệ sinh thái Thủ đô. |
Năm 2017 cũng là năm Hà Nội có nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được thành lập, mở đầu đó là Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội được khai trương và đi vào hoạt động chính thức từ 9/1/2017, tiếp đó ngày 26/2/2017, Tập đoàn Công nghệ CMC chính thức khai trương Trung tâm sáng tạo CMC, ngày 15/6/2017 UP Co-workingspace ra mắt không gian làm việc chung thứ 3 tại 519 Kim Mã.
Đến nay, trên địa bàn TP hiện có 15 tổ chức Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đang được các Vườn ươm, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp triển khai khá tích cực và hiệu quả. Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đã tổ chức Ngày hội đầu tư khởi nghiệp (ngày 11/4/2017) đồng thời cho tốt nghiệp 7 startup đã tham gia khóa huấn luyện đầu tiên. Ngày 9/8, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội, Hội sinh viên Việt Nam tại Vương Quốc Anh cùng Cộng đồng Kiến tạo địa cầu thuộc diễn đàn Kinh tế thế giới tại Hà Nội tổ chức Diễn đàn sáng tạo trong kỷ nguyên Cách mạng 4.0 với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngày 18/8/2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư đợt 1 dành cho các dự án khởi nghiệp thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội” và giới thiệu 12 dự án khởi nghiệp chính thức được tiếp nhận vào giai đoạn 3 của chu kỳ ươm tạo.
Về các quỹ đầu tư: Hiện nay Quỹ đầu tư và các Nhà đầu tư chủ yếu vẫn là các Quỹ đầu tư nước ngoài như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, 500Startups, DFJ Capital, Standard Chartered, Golden Gate Ventures, Mekong Capital, và các Nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên thông qua khảo sát ở một số Hội nghị xúc tiến đầu tư, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung bắt đầu hình thành cộng đồng các Nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Đó là những tín hiệu tích cực đối với sự phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Tuy nhiên, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển. Nếu xét về số lượng, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang có khoảng trên 2.000 startup, mật độ các công ty khởi nghiệp trên đầu người thì Việt Nam nhiều hơn cả các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng về chất lượng các dự án khởi nghiệp còn ở mức độ trung bình.
Theo báo cáo khảo sát của Chuyên gia Israel trong chuyến tư vấn phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hà Nội, doanh nghiệp khởi nghiệp của Hà Nội được chia thành 3 loại hình: Thứ nhất, doanh nghiệp khởi nghiệp thông thường. Thứ hai, doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng kỹ thuật số (Digital SMB) và thứ ba, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đổi mới.
Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là loại hình thứ hai, đây là một xu thế khi chúng ta bắt đầu chuyển dịch sang hình thức kinh doanh trực tuyến, loại hình doanh nghiệp này được xem là bước đệm để tiến tới hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo thực sự rất ít.
Số lượng các Vườn ươm, các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của Hà Nội nhiều, nhưng chưa có mối liên kết tạo thành mạng lưới tương hỗ nhau, chưa có các chính sách quy tụ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trở thành mạng lưới liên kết chia sẻ kinh nghiệm,cơ sở vật chất, đội ngũ các Nhà tư vấn (Mentor), các chương trình đào tạo, chia sẻ mạng lưới các nhà đầu tư.
Để khắc phục các hạn chế nêu trên, tạo điều kiện để thúc đẩy sư phát triển của cộng đồng khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, trong thời gian tới, bà Phan Lan Tú thông tin, TP Hà Nội dự kiến triển khai 1 số giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về khởi nghiêp và khởi nghiệp sáng tạo.
Hai là, xây dựng Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hà Nội, Xây dựng Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ba là, nghiên cứu Xây dựng khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp của Thành phố và hướng tới hình thành khu công nghiệp sáng tạo
Bốn là, xây dựng, phát triển và kết nối mạng lưới các tổ chức tăng tốc kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp theo hình thức đối tác công - tư với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Năm là, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp sáng tạo.
Sáu là, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, gọi vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.
Theo số liệu thống kê từ Sở KH&ĐT Hà Nội, trong 7 tháng qua, số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 16.700 doanh nghiệp, đồng thời theo con số thống kê không chính thức, hiện Hà Nội có khoảng trên 800 doanh nghiệp khởi nghiệp, phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Như vậy cùng với sự bùng nổ số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2016 thì năm 2017 vẫn là năm có tốc độ phát triển cao về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. |