Nhiều DN gặp khó khăn do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp. Ảnh: Hải Linh
DN khó khăn chồng chất, DN đuối sức… là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất hiện nay khi đa số các DN đã bứt đầu thấm đòn lãi suất cao của năm ngoái. DN gặp khó khăn do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, chi phí kinh doanh lớn, giá nguyên liệu đầu vào tăng, khó tiếp cận, huy động vốn qua kênh trái phiếu vẫn tắc…
Báo cáo kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết, quý I/2023, cả nước có gần 34.000 DN đăng ký thành lập mới nhưng có tới hơn 60.000 DN đóng cửa từ đầu năm. Bình quân 1 tháng trong quý I/2023 có gần 19.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi bình quân có gần 20.100 DN rút lui khỏi thị trường.
Số lượng DN thành lập mới đã ít hơn số lượng DN rời khỏi thị trường. Đây là một tổn thất lớn, không chỉ về hoạt động của DN, mà còn là vấn đề tăng trưởng lao động, mất việc làm, niềm tin trong nền kinh tế.
GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,21% của quý I/2020 - tức năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid. Những động lực chính của nền kinh tế là công nghiệp – xây dựng chứng kiến sự suy giảm một số ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp chế biến, khai khoáng… giảm mạnh; Xuất nhập khẩu 3 tháng đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%).
Để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra là GDP 2023, tăng 6,5%, mức tăng trưởng bình quân ba quý còn lại phải là 7,5%. Đây là một thách thức rất lớn nhưng cấp bách hơn cả là DN đang rất yếu.
Số đông DN trong nước kinh doanh ngày càng khó. Nếu nhìn sâu từng ngành nghề sẽ thấy nhìn đâu cũng khó khăn: DN sản xuất thì thị trường xuất khẩu gặp khó, thiếu đơn hàng, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, giá nguyên liệu tăng cao; DN dịch vụ, thương mại thì bị ảnh hưởng bởi xu thế thắt chặt chi tiêu trên thế giới trước ảnh hưởng lãi suất tăng, chi phí vốn cao, các trung tâm thương mại vắng vẻ; DN ngành xây dựng trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, hầu hết các nhà thầu xây dựng bị nợ đọng kéo dài do chủ đầu tư dự án mất khả năng chi trả hoặc chây ì trả nợ.
Điều này khiến DN xây dựng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Các ngành nghề công nghiệp liên quan đến xây dựng như công nghiệp thép, vật liệu xây dựng, gỗ, nội thất cũng đang lao đao.
Thế giới đang trong thời kỳ biến động, những thay đổi về địa chính trị, thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Mới nhất là khủng hoảng ngân hàng ở nhiều nơi trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của cộng đồng DN.
Chỉ số về tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều ngành chủ chốt, hoạt động của DN cho thấy sức khỏe của cộng đồng DN đang là vấn đề đáng lo ngại, cần các giải pháp hỗ trợ cả ngắn hạn và dài hạn, cấp bách và lâu dài.
Trong ngắn hạn, các vấn đề về lãi suất, thuế và đầu tư công cần nhanh chóng được xử lý để giúp nền kinh tế trong nước được phục hồi, mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công. Việc giảm lãi suất là cần thiết nhưng đi kèm với hỗ trợ DN tiếp cận; đẩy nhanh Chương trình phục hồi phát triển kinh tế và các gói hỗ trợ DN.
Về dài hạn, cần tiếp tục các chương trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thủ tục hành chính. Yếu tố ổn định pháp lý, các ngành các cấp không điều hành giật cục, mọi sự thay đổi ảnh hưởng đến quyền lợi của DN cần có lộ trình để DN có kế hoạch thích ứng.