Theo đó, Bộ Tài chính đã công bố danh mục ngành nghề tính thuế GTGT và thuế TNCN theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với từng nhóm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cụ thể.
Đáng chú ý, so với quy định hiện hành, Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng gồm:
- Hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số;
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế của khẩu trên lãnh thổ Việt Nam;
- Người cho thuê tài sản; Người chuyển nhượng tên miền ".vn";
- Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân; Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân;
- Doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả thu nhập trực tiếp cho cá nhân ký hợp đồng đại lý bán đúng giá đối với xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định rõ, đối với trường hợp cá nhân có phát sinh hợp đồng cho thuê tài sản trong nhiều năm và đã khai thuế, nộp thuế theo quy định trước đây thì không điều chỉnh lại đối với số thuế đã khai, đã nộp theo các quy định trước ngày hiệu lực Thông tư số 40/2021/TT-BTC.
Việc thông báo thời hạn nộp thuế khoán của năm 2021 thực hiện theo các quy định trước thời điểm hiệu lực của Thông tư số 40/2021/TT-BTC đến hết kỳ tính thuế năm 2021.
Lĩnh vực cho thuê tài sản gồm cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi trừ dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ chịu mức thuế suất cao nhất gồm thuế GTGT 5% và thuế TNCN 5%.
Chịu mức thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2% thuộc về các dịch vụ như: dịch vụ bưu chính, chuyển phát thư tín; bưu kiện; môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý; tư vấn pháp luật, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán, dịch vụ làm thủ tục hành chính thuế, hải quan; dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông, quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.
Dịch vụ hỗ trợ văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác; dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, internet và game; dịch vụ may đo, giặt là; cắt tóc, làm đầu, gội đầu; dịch vụ sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình cũng được đưa vào diện chịu thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2%.
Các hoạt động như sản xuất, gia công, chế biến sản phẩm hàng hóa; khai thác, chế biến khoáng sản; vận tải hàng hóa, vận tải hành khách; dịch vụ kèm theo bán hàng hóa như dịch vụ đào tạo, bảo dưỡng, chuyển giao công nghệ kèm bán sản phẩm; dịch vụ ăn uống; sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác… chịu thuế GTGT 3% và thuế TNCN 1,5%.
Theo Thông tư 40, nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đáng chú ý, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định về thuế GTGT, thuế TNCN.
Thông tư quy định rõ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho 1 người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.