"Ở Việt Nam, chúng tôi có một câu ca dao nổi tiếng: ‘Anh em như thể tay chân’. Bất kỳ ai có anh chị em đều có thể hiểu được ý nghĩa của câu ca dao này.
Anh chị em luôn hiện hữu trong cuộc sống dù chúng ta có ít gặp họ đi chẳng nữa. Họ không chỉ có chia sẻ DNA với chúng ta, mà họ còn là những người thực sự hiểu được cảm giác được nuôi lớn giống chúng ta.
Điều này rất quan trọng đối với tôi và em gái mình là Bích (Trần Ngọc Bích, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát, em gái của Uyên Phương -PV) vì chúng tôi điều hành doanh nghiệp gia đình cùng nhau. Chúng tôi giải quyết cuộc sống cá nhân và công việc theo cách mà ít anh chị em khác làm.
Tôi nghĩ rằng, bố tôi có tầm nhìn xa trông rộng khi ông ấy bắt đầu huấn luyện trong gia đình ngay sau khi 2 chị em tôi vừa tốt nghiệp đại học và gia nhập THP. Bố tôi nhận ra cách duy nhất giúp chúng tôi có thể tồn tại và phát triển như một gia đình và một doanh nghiệp là hiểu sâu sắc về động lực gia đình, cũng như cách phát triển, tương tác với nhau một cách tích cực.
Tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo trong nhiều bài đăng trên blog của mình. Chương trình gia đình kéo dài một năm rưỡi mà tôi và Bích cùng cha mẹ tham gia là khóa đào tạo quý giá nhất mà chúng tôi từng trải nghiệm.
Nó rất khó khăn nhưng cũng không kém phần đáng giá.
Đầu tiên, chúng tôi phải học cách phá bỏ một số rào cản thời thơ ấu. Các anh chị em ruột thường có xu hướng thiết lập trật tự khi ở cùng nhau từ lúc còn bé cho tới lúc lớn.
Tôi lớn tuổi hơn Bích. Nhưng trong công việc, tôi và em gái đã học cách tạo ra một số ranh giới nghề nghiệp và bình đẳng với nhau trong công việc.
Tương tự như vậy, chúng tôi đã xóa bỏ mọi định kiến còn tồn tại từ thời thơ ấu về khả năng của mỗi người, hoặc điều gì làm nên con người của chúng ta. Thông qua đào tạo, chúng tôi đã học được cách lắng nghe đối phương và hỗ trợ lẫn nhau thay vì cạnh tranh hay ngồi bắt bẻ nhau.
Như tôi đã nói trong bài đăng trên blog trước đây của mình về nghệ thuật lắng nghe, chìa khóa là lắng nghe để thấu hiểu thay vì phản hồi. Nó giúp chúng ta có thể trở thành những đồng nghiệp tốt hơn.
Hiện tại, tôi và Bích có một sợi dây liên kết chặt chẽ hơn bao giờ hết. Đó là một trong những điều được củng cố bởi giao tiếp tốt.
Trong chương trình huấn luyện của gia đình, chúng tôi cũng được dạy cách xác định nội tâm của mình để trên cơ sở đó có thể tương tác với nhau tốt hơn. Điều tôi học được về Bích là đối với bạn ấy, khái niệm về tổ chức có ý nghĩa rất lớn.
Không có gì ngạc nhiên khi Bích là người đã nói với ba tôi rằng trách nhiệm của ba là với gia đình lớn, hàng ngàn người đang dựa vào ba nên ba không thể vì gia đình nhỏ mà bị ảnh hưởng khi ông ấy đang hỗn loạn khi mẹ chúng tôi đột quỵ và liệt nửa người. Bích là người trực tiếp giám sát các hoạt động đào tạo và nhân sự của THP. Bạn ấy là một người có năng khiếu trong việc này".
Trần Uyên Phương đăng bài viết nói trên vào ngày 10/4 - Ngày anh chị em thế giới, trên blog viết bằng tiếng Anh của mình. Phó TGĐ THP viết trong phần kết: "Tôi rất tự hào khi có cơ hội này để chúc mừng em gái mình. Trong thời gian Việt Nam phong tỏa, tôi đã làm một video đặc biệt nói về sự tận tâm, nghĩa vụ và sự cống hiến của bạn ấy cho THP vào thời điểm đầy thử thách như vậy. Bích và tôi là chiến binh của THP và cũng là chiến binh của nhau".
Chia sẻ với Trí thức trẻ, Trần Uyên Phương cho biết: "Việc gọi 2 chị em là chiến binh của nhau bởi chúng tôi cùng nhau đạt tới mục tiêu. Khi cùng nhau đạt tới mục tiêu, chúng tôi sẽ bỏ qua cái tôi của mình, bỏ qua mình là ai, đôi khi phải thay đổi mình để biến mục tiêu thành hiện thực".
Trong giai đoạn "3 tại chỗ" thời Covid, "tinh thần chiến binh" của 2 chị em được thể hiện rất rõ. Phó TGĐ THP cho biết: "Khi hai chị em cùng tham gia vào công tác hậu cần và giám sát cho phương án sản xuất ‘3 tại chỗ’, việc bất đồng là khó tránh. Thậm chí tranh luận giữa 2 chị em rất gay gắt đến mức giám đốc các khối nhắn tin hỏi: ‘Hai chị em có ổn không?’ Thực tế họ có cũng có lo lắng về việc đó".
Tuy nhiên, đúng như chia sẻ của Trần Uyên Phương về "tinh thần chiến binh", hai người có tranh luận gay gắt nhưng biết bỏ qua cái tôi để giải quyết vấn đề, và hoàn thành mục tiêu. Và sau những ngày tranh luận nảy lửa về "3 tại chỗ", Trần Uyên Phương làm một video ngắn nói về những đóng góp, cống hiến của em gái như một món quà. Trong clip, Uyên Phương gọi Trần Ngọc Bích là "một nửa lạ kỳ của tôi".