Theo đó, sau một thời gian đăng tải Danh sách sơ tuyển, tiếp thu các ý kiến phản hồi, trên cơ sở đề xuất của 70 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh, thành phố), Bộ Công Thương đã xét chọn được 310 doanh nghiệp, tương đương với 324 lượt doanh nghiệp theo 22 ngành hàng.
Ngành chế biến thủy sản có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu uy tín - Ảnh minh họa. |
Cụ thể như sau: Thủy sản: 45 lượt doanh nghiệp; Gạo: 32 lượt doanh nghiệp; Cao su: 32 lượt doanh nghiệp; Dệt may: 38 lượt doanh nghiệp; Cà phê: 17 lượt doanh nghiệp; Rau, củ, quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả: 21 lượt doanh nghiệp; Sản phẩm gỗ: 21 lượt doanh nghiệp; Sản phẩm nhựa: 15 lượt doanh nghiệp; Hạt tiêu: 18 lượt doanh nghiệp; Hạt điều: 18 lượt doanh nghiệp; Chè các loại: 12 lượt doanh nghiệp; Sản phẩm cơ khí: 6 lượt doanh nghiệp; Vật liệu xây dựng: 12 lượt doanh nghiệp; Thủ công mỹ nghệ: 6 lượt doanh nghiệp; Dược và thiết bị y tế: 8 lượt doanh nghiệp; Dây điện và cáp điện: 3 lượt doanh nghiệp; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 3 lượt doanh nghiệp; Sản phẩm thịt: 1 lượt doanh nghiệp; Điện thoại các loại và linh kiện: 1 lượt doanh nghiệp; Túi xách, ví, vali, mũ và ô dù: 2 lượt doanh nghiệp; Vật liệu xây dựng: 12 lượt doanh nghiệp; Các mặt hàng khác: 13 lượt doanh nghiệp.
Việc bình chọn này được Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và các cơ quan hữu quan lựa chọn, tổng hợp và đăng tải Danh sách sơ tuyển “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2015 trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương để tham khảo ý kiến công luận.
Được biết, danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế… trong đó đối tượng ưu tiên xét chọn tập trung vào những ngành hàng đang khuyến khích xuất khẩu và những ngành hàng gặp khó khăn về mặt thị trường xuất khẩu.
Đây là một hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Mục tiêu của chương trình Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín là ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước; hỗ trợ giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài thông qua hệ thống Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài nhằm tăng khả năng tiếp cận và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nâng cao hơn nữa uy tín cũng như hình ảnh của mình trong kinh doanh thương mại thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp được Bộ Công Thương xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín còn được hỗ trợ trong các hoạt động sau: (i) được quảng bá miễn phí hình ảnh và sản phẩm của Doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, các trang thông tin điện tử và các tạp chí của một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương; (ii) sử dụng miễn phí logo Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Bộ Công Thương; (iii) được ưu tiên tham gia các hoạt động thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khảo sát thị trường, hội thảo, hội chợ, diễn đàn doanh nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức; (iv) tham gia miễn phí các khóa đào tạo về thương mại điện tử; (v) được giới thiệu trực tiếp đến các đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu...
Bộ Công Thương hy vọng các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy thành tích trong thời gian tới để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng doanh nghiệp thế giới.