25 năm quy hoạch dự án, 3.100 hộ dân phải sống cảnh khó khăn vì dự án bị “lãng quên” . Ảnh: Gia Huy |
Sống khổ ở đất vàng trung tâm
Gia đình ông Trần Văn Ước, 67 tuổi, sống tại hẻm 480 khu phố 3, đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, được biết tới là gia đình nhiều đất nhất tại đây với 17.000 m2. Với diện tích đất rộng lớn này, ông cùng hai người con trai đang trồng lúa và đào ao thả cá, nuôi gà, vịt sinh sống.
Ông kể, sinh sống ở đây từ nhiều đời nay, cha mẹ ông khai hoang đất ở đây để ở và trồng trọt từ trước giải phóng. Năm 1992, khi toàn bộ phường 28 được quy hoạch để xây dựng khu đô thị mới, ông cũng như bao gia đình khác cứ đinh ninh sẽ phải sớm bàn giao đất cho Nhà nước làm dự án, nên bắt đầu hạn chế đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, chờ mãi, từ khi còn là một người đàn ông trung niên, đến nay các con ông đã lớn khôn và lập gia đình mà bóng dáng khu đô thị sinh thái chẳng thấy đâu. Đất đai, ruộng vườn cũng bỏ hoang suốt mấy chục năm trời. Tiếc của, ông tiếp tục trồng lúa, nuôi gà sinh sống.
Cũng theo ông Ước, khi các con lớn khôn, lập gia đình, đất rộng ông muốn cất nhà riêng cho các con sinh sống nhưng vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sang đất ở, không tách thửa, cũng không được phép xây dựng.
Căn nhà nhỏ của ông hiện này là chỗ ở của cả con cháu, dâu rể hơn chục người. Năm gia đình nhỏ chen chúc trong một căn nhà chật chội, mỗi gia đình được ngăn một vách ngăn thành căn phòng chỉ rộng khoảng 5-6 m2.
“Có đất mà không thể cất nhà ra riêng cho con, muốn bán bớt để cho con cái ít vốn làm ăn nhưng cũng không được, con cái đều làm công nhân với thu nhập ít ỏi không đủ sống, chứ chưa nói đến chuyện đi thuê nhà trọ bên ngoài”, ông Ước nói.
Trong căn nhà chỉ rộng khoảng 50 m2 tại hẻm 487/71 Bình Quới của vợ chồng bà Nguyễn Thị Tám, 72 tuổi đã xuống cấp trầm trọng. Căn nhà với vách gỗ vá “chằng vá đụp” bởi những tấm gỗ ván ép xây dựng, trần nhà được vợ chồng bà Tám nhờ con cháu chống dột bằng tấm bạt lớn…
Bà Tám chỉ ra cái móng nhà xây bằng gạch cạnh đó kể, năm 2009, khi một người con của bà lấy vợ, ông bà tính chuyện cất nhà cho con ở. Tuy nhiên, vì nằm trong vùng quy hoạch nên không được cấp phép xây dựng.
Đường cùng, vợ chồng ông bà tính đào móng xây tạm căn nhà cấp 4 cho con lấy vợ về sinh sống, nhưng rồi khi mới làm móng nhà, thì chính quyền tới phạt xây dựng không phép 12,5 triệu đồng, buộc ông bà không được tiếp tục xây dựng nữa.
“Tôi ngán ngẩm quá rồi nên cũng muốn mặc kệ luôn, chứ giờ già rồi, ở cũng chả bao nhiêu, con cái vì nhà cửa như thế này nên chúng cùng chuyển ra chỗ khác sống.
Chúng muốn vợ chồng tôi đi cùng, nhưng vì đây là nhà và đất tổ tiên nên cố ở lại tới ngày cuối đời. Mấy năm trước cũng nghe tin nhà đầu tư sắp làm dự án, nên tôi cũng không buồn sửa sang nhà cửa gì nữa. Biết đâu vừa xây xong thì dự án lại ào tới”, bà Tám thở dài.
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Sơn, 75 tuổi, sống tại căn nhà số 480/87 Bình Quới trong căn nhà rộng 100 m2 trên khuôn viên đất 14.000 m2. Số đất lớn còn lại gia đình ông dùng để sản xuất nông nghiệp.
Ông Sơn kể, quận Bình Thạnh cũng là trung tâm Thành phố, bấy nhiêu đó đất lẽ ra đã là đại gia rồi. Vậy nhưng trong 10 người con của ông, có 6 người đã lập gia đình nhưng không có tiền nên ở hết trong căn nhà của ông. Đất đai nhiều, ông Sơn chia cho mỗi người con 1.000 m2, nhưng chỉ nói miệng vì không thể tách thửa.
Các con của ông Sơn có đất cũng không thể xây dựng, mà chỉ trồng sen rồi nhổ ngó sen đi bán kiếm thu nhập sống qua ngày. Trong căn nhà của ông, mỗi gia đình nhỏ cũng ngăn thành các phòng nhỏ để tá túc qua ngày, vì không đủ tiền đi thuê nhà trọ.
“Tôi chừng này tuổi đầu rồi, không biết có sống được đến ngày tận mắt nhìn thấy khu đô thị nào ở đây không, nhưng trước mắt mấy chục năm qua chúng tôi đã phải rất khổ sở. Đất đai nhiều mà không thể làm gì được. Nếu không bị quy hoạch, có khi cuộc đời tôi và con cháu cũng đã khác rồi”, ông Sơn nói.
“Siêu dự án” bị quên lãng
Được biết, Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, Thành phố giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ, đến năm 2010, Thành phố quyết định thu hồi, sau đó giao cho 1 tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) của khu vực này.
Tưởng chừng như dự án sẽ được hồi sinh, nhưng nó tiếp tục rơi vào quên lãng. Mãi đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND Thành phố chỉ định là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Theo đó, liên danh sẽ xây dựng khu đô thị mới này theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội-kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng diện tích dự án khoảng 427 ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư trên chỉ bao gồm chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chính của toàn bộ dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong đó, riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến gần 22.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.
Theo ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, toàn bộ phường 28 có gần 3.100 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
“Hiện nay, quận Bình Thạnh chưa thể làm gì vì đang chờ Thành phố xin ý kiến Thủ tướng cho phép chỉ định lại nhà đầu tư. Khi nào có chủ trương của Thành phố mới tiến hành các bước liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng”, ông Huy nói.
Về phía Công ty Bitexco, một đại diện doanh nghiệp này khẳng định, doanh nghiệp đủ khả năng tài chính để đầu tư xây dựng khu đô thị này. Hiện doanh nghiệp này cũng đang phải chờ TP Hồ Chí Minh hoàn thiện pháp lý để triển khai dự án.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, bà Võ Thị Phương Uyên, Phó chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh cho biết, Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.
“Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ”, bà Uyên nói
Được biết, sáng 19/7 vừa qua, Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan dẫn đầu tổ công tác đã xuống Thanh Đa để kiểm tra mức sống người dân và tiến độ dự án này. Sau khi kiểm tra, ông Hoan cho biết: “TP Hồ Chí Minh đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này, sau khi có ý kiến từ Chính phủ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh sẽ có biện pháp sớm phát triển dự án này để người dân không còn phải sống khổ triền miên nữa”, ông Hoan nói.