Làn sóng sốt ảo đã buộc những nhà chuyên môn, cơ quan chức năng phải lên tiếng và có những biện pháp chấn chỉnh để bình ổn thị trường. Vấn đề minh bạch quy hoạch được xem là mấu chốt cội nguồn của “sóng”.
Đất nền Hóc Môn đã từng bị đẩy giá gấp nhiều lần giá trị thực vì tin đồn lên quận. |
Trong vòng một năm qua, giá đất nền TP Hồ Chí Minh đã tăng đến 30%, có khu vực tăng đến 70%. Tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, giá bán trung bình lên tới 10 - 12 triệu đồng/m2; giá đất nông nghiệp một số khu vực huyện Củ Chi tăng đến 50% trong 4 tháng đầu năm 2017. Có chỗ lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2. Nguyên nhân được cho là do TP Hồ Chí Minh không công khai quy hoạch để người dân được biết và rộng đường dư luận nên giới “đầu nậu” và “cò” đất bất chính, lợi dụng tung tin đồn thất thiệt về khả năng chuyển huyện Nhà Bè, Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc hình thành mô hình “TP trong TP” ở phía Đông, phía Tây, phía Nam TP Hồ Chí Minh nhằm thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này. Trong khi đó, về phía Sở Xây dựng, Sở QH&KT TP Hồ Chí Minh đều khẳng định với báo giới, thông tin về các dự án, các hướng phát triển, quy hoạch luôn được công khai, chỉ có điều người dân không chịu tìm hiểu, kiểm tra, tham khảo trước khi mua đất.
TS Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng (IIB) cũng cho rằng, nói người dân sẽ bị lừa vì cơn “sốt đất ảo” không có thông tin chuẩn về quy hoạch là không đúng. “Tại sao khi có dự án căn hộ với hàng chục ngàn căn nhưng người dân không mua, lại mua đất nền gần dự án? Bởi vì các dự án thường được ngân hàng cho vay nhưng không phù hợp hoặc người dân chưa tin nên phải mua đất nền cạnh đó để tích lũy tài sản, hoặc với suy nghĩ mua đất tất yếu sẽ sinh lời hơn gửi tiền vào ngân hàng hoặc đầu tư vào chứng khoán. Nếu cho rằng người dân sẽ bị lừa vì cơn “sốt đất ảo” không có thông tin chuẩn về quy hoạch là không đúng. Vì khi người dân bỏ tiền mua đất hoặc mua nền nào đó, trước đó họ đã đi dò hỏi nhiều nơi, nhiều người chứ chẳng ai dại bỏ cả cục tiền để mua cái “ảo”” - ông Hiển lập luận.
Công bằng mà nói, việc không rõ quy hoạch của TP hay đã rõ nhưng người mua vẫn quyết liều một phen để “đổi đời” đều có cơ sở. Bởi lẽ, cơn sốt ảo đất nền tại TP Hồ Chí Minh chỉ thực sự hạ nhiệt ngay sau khi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh phải chính thức lên tiếng, công khai quy hoạch tại các địa phương được đẩy giá đất phi mã phi thực tế. Theo đó, dự án xây cầu Bình Khánh nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ hiện mới có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ; TP cũng chưa có quy hoạch nào về dự án 13.000ha lấn biển Cần Giờ. Ở xã Trung An (Củ Chi) chỉ có quy hoạch hồ điều tiết chứ không có dự án đô thị nào. Trước có đề xuất dự án Marina city tại đây, song UBND TP đã chính thức từ chối. Còn dự án đường trên cao từ Củ Chi về trung tâm TP hiện mới chỉ là ý tưởng của một DN, chưa có cơ sở pháp lý.
Như vậy, thông tin về các dự án, các hướng phát triển, quy hoạch luôn được công khai như Sở Xây dựng, Sở QH&KT TP Hồ Chí Minh khẳng định, thì việc công khai này có thể chỉ dừng lại ở vấn đề thủ tục, hình thức chứ chưa thực sự hiệu quả. Nhiều ý kiến nhìn nhận, nói công khai mà người dân không biết, rồi cho rằng người dân không chịu tìm hiểu khi xuống tiền là không phù hợp. “Điều đó cho thấy, rõ ràng phương tiện, biện pháp công khai quy hoạch của TP Hồ Chí Minh chưa phù hợp với thực tế, chưa hiệu quả nên đã để đầu nậu và cò đất lợi dụng tung tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi và hệ lụy là cơn sốt ảo đất nền” - một người dân nhận định.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh nắm bắt tình hình và báo cáo UBND TP triển khai các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường, tránh để xảy ra tình trạng đất tăng giá theo “tin đồn”. Theo đó, yêu cầu TP Hồ Chí Minh cần công khai thông tin quy hoạch các khu vực cũng như tiến độ triển khai các dự án từ giao thông, hạ tầng và cả bất động sản. Bộ cũng yêu cầu chính quyền các quận, huyện tại những khu vực sốt đất ảo cần tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân về thông tin và các tin đồn thất thiệt để người dân biết. |