Ít ai biết, Thaco đã tham gia vào lĩnh vực bất động sản từ năm 2011. Lúc đó, Thaco đã góp 45% vốn sáng lập CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường BĐS đang dần phục hồi, cũng như thời gian qua diễn ra việc thay máu ở nhiều dự án thì Thủ Thiêm đang nổi lên một số đại gia BĐS mới nổi, vẫn còn bí ẩn trên thị trường địa ốc. Trong đó đáng chú ý là cái tên Đại Quang Minh.
Tháng 6/2013 khi VIDIFI chính thức rút khỏi 4 dự án tuyến đường vào trung tâm dự án Thủ Thiêm với lý do tập trung vốn cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thì từ đó Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã thay thế, và xuất hiện. Theo tính toán của chủ đầu tư, để hoàn thành 4 tuyến đường này cần khoản kinh phí lên đến khoảng 12.000 tỷ đồng. Ngày 26/4, dự án này cũng đã chính thức được khởi công xây dựng. Dự án được triển khai theo hình thức BT.
Đổi lại, Đại Quang Minh được khai thác 4 khu đất gồm khu II, IIA, III, IIIA thuộc Thủ Thiêm. Đầu tháng 6, Chủ tịch TP.HCM đã chính thức duyệt giá trị quyền sử dụng đất 4 ô đất này là 12.490 tỷ đồng, nhưng số tiền được thanh toán tối đa khoảng 8.265 tỉ đồng (không bao gồm chi phí lãi vay và dự phòng trượt giá khoảng 3.917 tỉ đồng. Như vậy, chủ đầu tư phải chi số tiền khoảng 16.407 tỉ đồng để sử dụng 4 khu đất trên.
Cũng vào đầu tháng 6, Đại Quang Minh lại vừa được TP.HCM giao thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT thay cho Vinaconex. Được biết, tổng mức đầu tư cây cầu này là 2.300 tỷ đồng. Đổi lại, Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thẩm định giá trị quyền sử dụng đất của 11 lô đất trong khu đô thị Thủ Thiêm (theo giá thị trường) để lấy làm cơ sở đàm phán hợp đồng BT với Công ty Đại Quang Minh.
Đại Quang Minh gắn liền với 2 nhân vật khá mới mẻ trên thị trường địa ốc. Một là ông Trần Bá Dương - hiện là Tổng Giám đốc. Ông được biết đến nhiều hơn ở ô tô Trường Hải (Thaco) với cương vị là Chủ tịch. Và người thứ hai là ông Trần Đăng Đăng Khoa - Chủ tịch HĐQT Đại Quang Minh. Là người giàu kinh nghiệm trên thương trường địa ốc nhưng ông Khoa lại khá kín tiếng.
Dòng xe KIA do Thaco phân phối |
Trong những năm qua, ông Khoa được giới đầu tư địa ốc Hà Nội quen thuộc hơn, bởi trước đây ông Khoa là trợ lý chủ tịch Công ty Keangnam - Vina, chủ đầu tư dự án Keangnam Landmark Tower (giới đầu tư sau đó thường gọi ông là Khoa Keangnam), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Mai Linh – chủ dự án Golden Palace tại Mễ Trì.
Qua tìm hiểu, được biết Đại Quang Minh gồm 4 cổ đông sáng lập. Trong đó, Thaco nắm 45%, Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh nắm 37,5%, ông Trần Đăng Khoa nắm 17,5%, và Công ty CP thương mại quốc tế và tư vấn đầu tư Invecon - một trong số công ty thành viên Tập đoàn Hồng Ngân do bà Nguyễn Thị Minh Hồng (vợ ông Trần Đăng Khoa) điều hành.
Cuối tháng 6/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sửa đổi cho Địa ốc Đại Quang Minh với nội dung thay đổi quan trọng liên quan đến sở hữu của các cổ đông sáng lập.
Bên cạnh lĩnh vực ôtô thì Sala là dự án mà Thaco đã dành rất nhiều tâm huyết. Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương thậm chí đã rút khỏi vị trí Tổng giám đốc của Thaco để giữ vị trí Tổng giám đốc của Đại Quang Minh.
Khi thời điểm Đại Quang Minh ghi nhận doanh thu từ dự án Sala đang đến gần, Thaco đã có những động thái mới nhằm gia tăng sở hữu tại công ty này.
Căn hộ dự án Sarimi trong khu đô thị Sala |
Báo cáo tài chính của Thaco cho thấy trong nửa đầu năm 2016, công ty đã chi thêm 945 tỷ đồng để mua thêm 5% cổ phần của Đại Quang Minh, nâng tỷ lệ sở hữu lên 50%. Tuy nhiên theo thông báo của Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 29/6/2016, Đại Quang Minh đã được cấp thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với thay đổi quan trọng liên quan đến cổ đông sáng lập. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Thaco tại Đại Quang Minh đã được điều chỉnh tăng từ 45% lên 90%.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ 6 tháng đầu năm của Thaco cũng đã đề cập đến việc công ty đã chi ra 9.069 tỷ đồng để “đầu tư góp vốn vào đơn vị khác”. Nhiều khả năng phần lớn con số này chính là số tiền mà Thaco đã chi ra để mua thêm 45% cổ phần tại Đại Quang Minh, bao gồm 5% cổ phần đã mua xong tại thời điểm 30/6 và 40% cổ phần chưa hoàn tất chuyển giao ghi nhận ở khoản mục trả trước cho người bán.
Với tỷ lệ sở hữu 90% thì Thaco đã nắm quyền chi phối đối với Đại Quang Minh. Nhiều khả năng Đại Quang Minh sẽ được hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Thaco từ đầu quý 3.
Sau các thay đổi về sở hữu, ông Trần Bá Dương đã tiếp quản vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại Quang Minh từ ông Trần Đăng Khoa. Từ ngày 4/7, ông Dương cũng chính thức trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty này.