Việc các dự án được đem đi thế chấp tại các ngân hàng không phải là thông tin mới. Bởi có đến 99% chủ đầu tư đều đem dự án đi thế chấp tại các ngân hàng. Đây không phải là chuyện lạ lẫm trên thị trường.
Theo quy định của Luật Nhà ở, tại khoản 1 điều 147 thì "Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó; trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.
Người mua nhà lo âu khi được biết căn hộ của mình đã được chủ đầu tư mang đi thế chấp. (Ảnh minh họa) |
Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở".
Do vậy, chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận; Người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, người mua nhà nên tìm hiểu dự án mình mua có được ngân hàng bảo lãnh tiến độ hoàn thành và có bị thế chấp hay không? Về nguyên tắc, nếu chủ đầu tư đã thế chấp dự án họ phải giải chấp khi muốn bán căn hộ. Đồng thời, khách hàng cần lưu ý bảo lãnh của ngân hàng đối với các dự án đã thế chấp và bảo lãnh tiến độ dự án, giao nhà đúng hạn. Khi chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ cam kết ngân hàng sẽ trả lại tiền cho người mua.
Ngoài ra, theo ông Châu, việc chủ đầu tư thế chấp dự án là điều hết sức bình thường và nên chủ động công khai chi tiết, tránh trường hợp công bố thế chấp nhưng không rõ là thế chấp phần nào. Điều này hoàn toàn không phải là tiêu chí đánh giá uy tín năng lực của chủ đầu tư mà phải xem thực tế các dự án họ đã và đang triển khai.
“Dự án đã thế chấp không có nghĩa là chủ đầu tư không được bán. Ngân hàng cũng cần thu về dòng tiền, nên nếu ngân hàng cho phép chủ đầu tư bán và kiểm soát dòng tiền này thì chủ đầu tư vẫn được phép bán. Do vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm, khi chủ đầu tư thực hiện việc huy động vốn theo đúng quy định” - ông Châu nói.