Dự án Golden Mansion tại 119 Phổ Quang, phường 9, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), 1 trong 60 dự án trong danh sách đề nghị tạm dừng để thanh tra của Bộ Tài Chính. |
Thực tế, dù chỉ mới là đề xuất của Bộ Tài chính nhưng đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) dậy sóng, doanh nghiệp (DN) và người dân đều lo lắng. Tại TP Hồ Chí Minh, những dự án có tên trong “bảng phong thần” mấy ngày gần đây giao dịch giảm mạnh, nhiều khách hàng đến xin rút lại tiền cọc, hủy hợp đồng… khiến DN lao đao.
Theo luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, đề xuất của Bộ Tài chính tạm dừng dự án là quá vội vàng, không có cơ sở pháp lý. Các dự án BĐS đều có nhiều quy định điều chỉnh như về thuế khi chuyển đổi quyền sử dụng, về xin giấy phép, xây dựng… nhưng không có quy định nào để Bộ Tài chính yêu cầu phải dừng dự án nếu như không có vi phạm liên quan cụ thể trong hoạt động cấp phép, xây dựng.
“Bất cứ đề xuất nào từ các bộ ngành quản lý nhà nước cũng cần đưa ra trên cơ sở các quy định đã ban hành, không thể tùy tiện làm xáo trộn đời sống của DN và người dân. Bộ Tài chính với thông tin không rõ ràng này làm DN, người dân thêm hoang mang, căng thẳng”, LS Đức nói.
Đồng quan điểm, theo LS Nguyễn Văn Hậu, Đoàn LS TP Hồ Chí Minh, việc Bộ Tài chính “bêu” tên và đề xuất thanh tra, tạm dừng 60 dự án này nhưng chưa biết có sai phạm gì hay không là chưa hợp lý, có thể gây thiệt hại cho DN rất lớn.
“Một cuộc thanh tra kéo dài 3 - 6 tháng, thậm chí cả năm sẽ khiến DN “chết” vì gánh nặng trả lãi vay trong khi người mua chỉ muốn tránh xa những dự án này. Không những vậy, nếu bắt dừng lại sẽ kéo theo biết bao hệ lụy khác như bán hàng không được, công nhân thất nghiệp, người mua nhà lo lắng… Chỉ khi nào chỉ ra sai phạm quá rõ ràng rồi mới bắt tạm dừng để xử lý”, LS Hậu nói và đặt vấn đề: “Nếu gây thiệt hại cho DN, cho người dân thì ai chịu trách nhiệm? Không lẽ khi người dân bị thiệt hại đi kiện thì Bộ Tài chính lấy tiền ngân sách bồi thường? Trong khi Nghị quyết T.Ư khuyến khích DN tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa thì đề xuất này của Bộ Tài chính đã đi ngược lại chủ trương của Đảng, của Chính phủ”.
"Việc của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay nếu cần là thanh tra xử lý những tổ chức, cá nhân nào cố ý làm trái các quy định trước khi bán ra thị trường hoặc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Còn khi dự án đã được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, được cấp phép xây dựng và được đưa ra bán trên thị trường thì đã được pháp luật công nhận. Người mua nhà hay chủ đầu tư dự án không có lỗi gì cả.." - LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico |
Phân tích tính pháp lý về kiến nghị của Bộ Tài chính, LS Trần Đức Phượng cho rằng công văn của Bộ Tài chính không đúng đối tượng của thanh tra nên gây ảnh hưởng đến DN và người mua nhà. Đúng ra, kiến nghị của Bộ Tài chính cần nêu đích danh thanh tra UBND tỉnh/thành trong việc làm thất thoát khi cổ phần hóa DN nhà nước (nếu có), hoặc các DN nhà nước chứ không phải thanh tra 60 dự án.
“Nếu chỉ nêu ra 60 dự án là không đúng đối tượng bị thanh tra, khiến họ bị hiểu nhầm, các DN này cũng không thể có hồ sơ để cung cấp cho đoàn thanh tra. Nếu có thanh tra, khi đoàn thanh tra có kết luận chỉ ra sai phạm thì sẽ kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định cụ thể để xử lý sai phạm. Thậm chí nếu còn thời hiệu thì xử phạt, không còn thời hiệu thì chỉ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, xử lý đúng đối tượng có hành vi sai, ai sai thì người đó chịu. Rõ ràng kiến nghị của Bộ Tài chính đã gây nhầm lẫn, gây ảnh hưởng tác động đến DN và người mua nhà. Theo luật Tố tụng hành chính 2015, DN và người mua nhà có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại”, LS Phượng phân tích.
Cũng phân tích ở góc độ pháp lý, LS Trương Thanh Đức nhận định việc xác định đúng đối tượng cần thanh tra ở các dự án này là rất quan trọng. Nếu Bộ Tài chính nghi ngờ nhà nước đã bị thất thoát tài sản từ vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất các dự án thì phải chỉ rõ các công ty đã được giao đất trước đó là ai? Nếu có thì phải thanh tra quy trình chuyển đổi có đúng quy định hay chưa. Hoặc khi thực hiện cổ phần hóa, xác định giá trị DN có bỏ sót, có định giá thấp để tài sản bị thất thoát thì người ký phê duyệt thẩm định giá sẽ phải chịu trách nhiệm…
“Nếu xác định có hành vi trục lợi khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ các khu đất vàng thì ai là người ký quyết định thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay nếu cần là thanh tra xử lý những tổ chức, cá nhân nào cố ý làm trái các quy định trước khi bán ra thị trường hoặc thực hiện cổ phần hóa DN nhà nước. Còn khi dự án đã được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, được cấp phép xây dựng và được đưa ra bán trên thị trường thì đã được pháp luật công nhận. Người mua nhà hay chủ đầu tư dự án không có lỗi gì cả. Bộ Tài chính cần phải đính chính hoặc làm rõ thông tin này để người dân không còn hoang mang”, LS Đức phân tích thêm.
Tương tự, LS Nguyễn Văn Trường, Đoàn LS TP Hồ Chí Minh, cho rằng trong trường hợp này, các DN đang đổ tiền triển khai dự án là vô can. Họ là người đi mua đất để phát triển dự án, nhà nước định giá bán bao nhiêu họ mua giá đó, thậm chí còn phải bỏ thêm rất nhiều chi phí “không tên” khác. Thay vì thanh tra đối tượng làm thất thoát tiền ngân sách là các cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước thì Bộ Tài chính lại đề xuất thanh tra các dự án.
“DN đã bỏ tiền ra mua dự án theo đúng giá nhà nước đưa ra, được nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư, được cấp phép xây dựng, được các cơ quan chức năng đồng ý cho bán. Nay bảo thanh tra, tạm dừng là thanh tra cái gì, tạm dừng để làm gì khi họ đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật? Trong trường hợp này chủ đầu tư các dự án BĐS là vô can”, LS Trường nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có quyền đình chỉ một dự án xây dựng khi có sai phạm liên quan trong vấn đề xây dựng. Bởi đất đã được cấp sổ đỏ là được công nhận trước pháp luật. Người dân mua nhà đã hoàn tất các thủ tục như về thuế đều cần được bảo vệ. Ai sai tới đâu xử lý tới đó, không để liên lụy đến người dân và cả DN.