Nặng gánh thuế đơn, thuế kép
Tính toán của chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín, thành viên đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, CEO Trường doanh nhân Bizlight cho hay, có khoảng gần 10 loại thuế, phí các loại đang "đè" nặng trên vai người dân khi họ sở hữu một căn nhà.
Theo đó, thứ tự đầu tiên thuộc về, thuế thu nhập cá nhân bán nhà. Căn cứ vào công văn số 17526/BTC-TCT về Triển khai thực hiện một số nội dung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế:"Từ 01/01/2015, áp dụng một mức thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng từng lần với chuyển nhượng bất động sản thay cho thực hiện 02 phương pháp tính thuế trước đây". Như vậy, thuế thu nhập cá nhân = 2% x giá chuyển nhượng.
|
Giấc mơ an cư của số đông người nghèo trở nên chống chếnh trước đề xuất của Bộ Tài Chính |
Kế đến, phải nộp lệ phí trước bạ người mua nhà, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 45/2011/NĐ-CP thì:"Mức lệ phí trước bạ đối với nhà, đất là 0,5%". Căn cứ theo Thông tư số 301/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí trước bạ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 và thay thế các thông tư hướng dẫn trước đó của Bộ Tài chính, số tiền lệ phí trước bạ phải nộp được xác định như sau: Giá trị đất = diện tích đất x giá đất. Trong đó, mỗi địa phương quy định giá đất khác nhau. Như vậy, số tiền lệ phí trước bạ = diện tích đất x giá đất x 0,5%.
Lần lượt tiếp theo, người mua nhà phải hoàn thành lệ phí công chứng, lệ phí địa chính, lệ phí thẩm định, thuế phi nông nghiệp. Đáng chú ý nhất, dù không được xem như một sắc thuế, tiền sử dụng đất được ví như gánh nặng cố hữu của số đông người mua nhà. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, tiền sử dụng đất đang tạo ra cơ chế "xin-cho", nhũng nhiễu và DN phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này. "Tiền sử dụng đất" đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, như chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% trong giá thành nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% trong giá thành biệt thự.
Chỉ “thu” chưa khống chế “chi”
Thực tế, lấy lý do các nước khác đều vậy để khẳng định cho việc đánh thuế tài sản là chưa hợp lý. Mọi so sánh đều khập khiễng nếu không đặt trong cùng bối cảnh như: có bao nhiêu loại thuế, phí liên quan đến nhà đất mà người dân ở các nước trên thể giới phải gánh? thuế suất? thu nhập bình quân đầu người?, thuế thu được từ thuế tài sản dùng vào mục đích gì?…
Theo luật sư Bùi Sinh Quyền – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc Bộ Tài chính tung ra thị trường một dự thảo với nội dung lớt phớt đang tác động tiêu cực về mặt tâm lý. Thu nhập trung bình chưa cao, nhắc đến các loại “thuế, phí nhà”, dân vốn đã dị ứng. Nay, đề xuất thu thêm khoản thuế nhà đất trong khi lập luận “nông” đang khiến cho người dân vô cùng hoang mang. Đó là còn chưa tính đến, ngoài thuế tài sản, dân còn phải “cõng” trên lưng vô số khoản thuế, phí và lệ phí khác như: thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng khi mua hàng hoá, dịch vụ; phí bảo trì đường bộ; phí môi trường đối với xăng dầu; thuế tài nguyên nước khi sử dụng nước sinh hoạt; phí môi trường đối với nước thải sinh hoạt, và các khoản quyên góp không tên của chính quyền địa phương…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn, từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra đề xuất tăng thuế, điều chỉnh 5 sắc thuế cũ, tăng thêm thuế môi trường đánh vào xăng dầu, và giờ là thuế tài sản. Tin thuế tăng dồn dập nhưng tiết kiệm chi tiêu ngân sách như thế nào lại không được Bộ này đưa ra phương hướng. “Làm bất cứ chính sách gì thì Bộ Tài chính phải tính đến tác động kinh tế, xã hội. Tại sao có thể đưa ra một loạt các loại thuế như thế mà không tính đến gánh nặng đang đè lên người dân? Tôi mong rằng Chính phủ, Quốc hội cần phải phê bình Bộ Tài chính về cách làm, ý tưởng này. Bởi, đang làm tăng thêm bất bình của người dân về ngành thuế.” – bà Chi nhấn mạnh.