Tràn lan sản phẩm hữu cơ
Mặc dù giá bán không rẻ nhưng các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ mọc lên ngày càng nhiều. Tại hệ thống kinh doanh thực phẩm sạch với tên gọi Bác Tôm, Biggreen - Organic… sản phẩm rau hữu cơ như rau lang, rau muống, mồng tơi có giá bán lên đến 25.000 - 30.000 đồng/kg đắt gấp 2 - 3 lần so với rau tại chợ truyền thống. Giá bán của gạo hữu cơ dao động tùy thương hiệu, loại rẻ nhất cũng 35.000 - 40.000 đồng/kg loại đặc sản như gạo tám Hải Hậu có nơi lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại hệ thống kinh doanh thực phẩm sạch Bác Tôm. Ảnh: Duy Anh. |
Thịt lợn hữu cơ có thể có giá 220.000 - 250.000 đồng/kg, trong khi trên thị trường thịt lợn chỉ dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Ngay cả những loại thực phẩm ăn liền cũng được gắn mác hữu cơ. Nhân viên tại một số siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi có sản phẩm hữu cơ đã qua chế biến đều quảng cáo: Cửa hàng có nhiều thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hữu cơ được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản, rất tốt dành cho trẻ em, người lớn tuổi như bánh gạo, sữa chua, snack… Nhưng khi quan sát, ngoài bao bì có dòng chữ “hữu cơ”, hoặc “thiên nhiên”… thì các thành phần sản phẩm không có gì có thể khẳng định đây là sản phẩm hữu cơ, chỉ có giá bán không rẻ.
Nhân viên cửa hàng thực phẩm hữu cơ V-Organic trên phố Tây Sơn cho biết: Giá bán sản phẩm hữu cơ cao như vậy là do được sản xuất với những tiêu chuẩn chặt chẽ như không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất kích thích tăng trưởng, được giám sát nghiêm ngặt.
Cần bộ quy chuẩn
Nhiều DN trong ngành sản xuất hữu cơ cho biết, mặc dù nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ tăng cao nhưng DN rất khó đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ. Đặc biệt, việc thiếu khung pháp lý quy chuẩn sản phẩm phải đạt những tiêu chí gì mới là sản phẩm hữu cơ là rào cản DN đầu tư sản xuất thực phẩm organic. Theo ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt , hiện Việt Nam vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia thực phẩm hữu cơ, cũng như hệ thống giám sát chất lượng. Các sản phẩm được cấp chứng nhận hữu cơ đều dựa vào tổ chức nước ngoài như IMO, JAS, Control Union... “Nhưng đây là những tổ chức độc lập, việc thẩm định và cấp chứng nhận dựa trên uy tín của họ chứ không phụ thuộc sự công nhận của chính quyền địa phương hay các hiệp hội trong nước” - ông Đào Ngọc Nam nêu rõ.
Bà Phạm Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (DN quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) bày tỏ: Do chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, định nghĩa thế nào là sản phẩm hữu cơ nên chưa có cơ quan chính thống nào của Nhà nước cấp chứng nhận cho những sản phẩm này. Chúng tôi là nhà phân phối rất cần giấy chứng nhận sản xuất nhưng nhà sản xuất không thể cung cấp được. Đây là thực tế trong quản lý thực phẩm hữu cơ hiện nay.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, Bộ đang theo dõi quy trình xây dựng tiêu chuẩn hữu cơ dự kiến sẽ có bộ quy chuẩn hữu cơ trong một, hai năm tới. Vì vậy, trước mắt tạm thời xem xét chấp nhận các tiêu chuẩn của các tổ chức nước ngoài.
Tuy nhiên về lâu dài, cơ quan quản lý phải đẩy nhanh việc xây dựng một tiêu chuẩn, chứng nhận hữu cơ của riêng Việt Nam qua đó đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Điều này không chỉ để những DN làm ăn chân chính khẳng định uy tín sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng có căn cứ để chọn lựa các sản phẩm thực phẩm hữu cơ cho mình.
Xu hướng hiện nay là DN tự chứng nhận chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm. DN được quyền sản xuất, kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm. Tuy vậy, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng rất cần khung pháp lý cho thực phẩm hữu cơ. Đây cũng là cơ sở để lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn hàng đối với các cơ sở sản xuất cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ bày bán trên thị trường. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan |