Tính đến đầu tháng 7/2016, cả 3 nhà mạng lớn của Việt Nam là MobiFone, Viettel và Vinaphone đều chính thức thử nghiệm 4G. Về mặt lý thuyết, tốc độ 4G sẽ phải đạt đến hàng trăm Mbps. Người dùng háo hức với những tuyên bố như tốc độ lướt web của 4G nhanh gấp 10 lần 3G, tải một video hay bài hát chỉ trong vài giây. Tuy nhiên, khá nhiều người tỏ ra chưa hài lòng vì thực tế tốc độ dịch vụ 4G mà các nhà mạng đang cung cấp lại không được như mong đợi.
Công nghệ 4G ?
Tốc độ 4G đã không như mong đợi... |
4G (viết tắt của fourth-generation) hay LTE (viết tắt của cụm từ Long Term Evolution, có nghĩa là Tiến hóa dài hạn) là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 cho đến 1,5 Gb/giây. Tên gọi 4G do IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers) đặt ra để diễn đạt ý nghĩa "3G và hơn nữa".
Giống như ở 3G có thêm hai phiên bản nâng cấp là 3.5G (HSDPA) và 3.75G (HSUPA). Ở LTE cũng vậy, nó cũng có các tiêu chuẩn kế thừa mạnh mẽ hơn như LTE Advanced (LTE-A) với tốc độ lý thuyết tải về tối đa 3Gbps, tải lên 1.5Gbps. Dĩ nhiên, để có thể sử dụng được 3G cũng như 4G thì thiết bị của bạn phải được trang bị chip mạng tương ứng. Sau đó đăng ký các gói dịch vụ dữ liệu từ nhà mạng rồi mới sử dụng, nếu không tài khoản của bạn sẽ bị trừ tiền không thương tiếc.
Về chuẩn LTE-A, Viễn thông Quốc tế ITU (International Telecommunication Union) đã tạo ra những mục (Category - Cat) khác nhau để người dùng nắm rõ, các nhà mạng và nhà sản xuất sẽ lần lượt thực hiện theo lộ trình từng Category một, với Category 1 (Cat 1) là LTE chậm nhất và Category 8 (Cat 8) là nhanh nhất (lý thuyết tải về 3Gbps và tải lên 1.5Gbps bắt đầu từ đây).
Nhiều yếu tố làm chậm tốc độ 4G
Ông Nguyễn Bảo Long - Phó Tổng giám đốc MobiFone cho hay, khi trong điều kiện thực nghiệm tiệm cận lý tưởng thì tốc độ 4G đo được của nhà mạng này đạt đến hơn 700 Mbps. Tốc độ này là giới hạn của công nghệ 4G cho các thiết bị với cấu hình cũng như tài nguyên tần số cao nhất được triển khai trên mạng. Tuy nhiên với quy mô và tài nguyên tần số được cấp phép bởi Bộ Thông tin Truyền thông cho đợt thử nghiệm này, tốc độ tải về đo được thực tế ở TP.Hồ Chí Minh ngày 01/7/2016 là 219Mbps.
Với công nghệ 4G, trải nghiệm người dùng với chỉ số tốc độ download phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt cấu hình của trạm thu phát, tài nguyên tần số nhà mạng được cấp phép, điều kiện kênh truyền có tốt hay không (khoảng cách tới trạm thu phát của nhà mạng hay sử dụng dịch vụ ngoài trời hay trong nhà…), số lượng trạm thu phát, số lượng người dùng đồng thời tại địa điểm có phủ sóng, thiết bị đầu cuối… đều là những yếu tố gây ảnh hưởng tới chất lượng download và upload của 4G. Do vậy, tốc độ tải hiện tại có thể thay đổi từ 10 Mbps đến 200 Mbps.
Đặc biệt, nơi MobiFone chọn để thử nghiệm 4G đều là các thành phố đông đúc có mật độ dân cư lớn và có nhiều nhà cao tầng. Nhiều người sử dụng cùng một lúc dẫn đến việc tài nguyên bị chia sẻ, địa hình không thuận lợi cũng gây ra nhiễu sóng. Các yếu tố trên làm chậm tốc độ tải đo trên máy của một người dùng nào đó.
Được biết, ngay cả ở các nước phát triển, mạng 4G cũng không thể đạt được tốc độ hàng trăm Mbps như trong thí nghiệm. New Zealand, Singapore và Romania là top 3 nước có tốc độ tải về của 4G nhanh nhất thế giới nhưng con số này cũng chỉ dừng ở mức 36 Mbps, 33 Mbps và 30 Mbps (theo số liệu từ OpenSignal, tháng 9.2015).
Không “hợp rơ” khó đạt chuẩn
Tuy nhà mạng VinaPhone và Viettel không nói rõ về LTE Cat mà họ đang thử nghiệm, nhưng theo thông tin thì VinaPhone là Cat 11 và Viettel là Cat 6. Hiện tại trên thị trường Việt, có Galaxy Note 5, Galaxy S6 Edge Plus, Xperia Z5... mới hỗ trợ Cat 9 với băng thông tối đa 450Mbps, chưa đạt đến Cat 11 600Mbps. Còn iPhone 6s, iPhone 6s Plus, Lumia 950XL đều là Cat 6 với băng thông 300Mbps tải về và 50Mbps tải lên.
Ông Bảo Long lưu ý, chủng loại thiết bị đầu cuối cũng quyết định tốc độ tải, cấu hình cao sẽ cho phép trình duyệt chạy nhanh và ngược lại. Theo đó, nhiều điện thoại có hỗ trợ 4G nhưng chuẩn Cat lại khác nhau.
Các thử nghiệm đã cho thấy tại cùng địa điểm, những smartphone đời cũ có tốc độ tải chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với những dòng mới có chuẩn LTE Cat 6 (trường hợp của iPhone 6s) hoặc Cat 9 (trường hợp của Samsung S6 edge plus).
Cũng giống như chuẩn màn hình 2K hoặc 4K trên smartphone nói riêng và thiết bị số khác nói chung, nếu chất lượng màn hình và nội dung không "hợp rơ" với nhau thì sự trải nghiệm sẽ không đạt tới mức như mong đợi. Theo đó, ở 4G cũng thế, nhà mạng thì tung ra chuẩn Cat 11 trong khi smartphone người dùng chỉ hỗ trợ đến mức Cat 6 hoặc cao hơn là Cat 9 mà thôi, cho nên chưa thể tận dụng hết tốc độ tối đa của công nghệ này.
Hiện tại ở Việt Nam các nhà mạng đều đang thử nghiệm LTE ở hai băng tần 1800MHz và 2600MHz, nếu điện thoại hay thiết bị thu phát 4G của bạn hỗ trợ 2 băng tần này thì có thể sử dụng LTE ở Việt Nam, còn tốc độ thế nào còn phụ thuộc vào thiết bị.
Hơn nữa, còn một vài nguyên nhân khác khiến tốc độ tải của chiếc điện thoại không như mong đợi là bộ nhớ cache đầy, có quá nhiều ứng dụng hay các quảng cáo tự động. Vì thế, nhiều chuyên gia và tài khoản uy tín trên các diễn đàn công nghệ cũng khuyến cáo người dùng nên thực hiện ngay thao tác xóa cache để “dọn dẹp” điện thoại, vô hiệu hóa hoặc gỡ bỏ hoàn toàn các ứng dụng không dùng đến cũng như cài đặt ứng dụng chặn quảng cáo để trải nghiệm Internet ổn định hơn.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng 4G đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chỉ có vài trăm trạm thu phát sóng được lắp đặt tại 03 thành phố lớn. Ví dụ tại Hà Nội, MobiFone chỉ thử nghiệm 100 trạm phát ở một số phường của các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Đống Đa.
Sự khác biệt về khoảng cách so với trạm phát sóng sẽ khiến tốc độ 4G khác nhau dù người dùng đang ở trong cùng một quận. Để đảm bảo được trải nghiệm người dùng qua chỉ số tốc độ tải trung bình như ví dụ trên các nhà mạng cần ít nhất 1.000 trạm để phủ sóng TP.Hà Nội cũng như tài nguyên tần số đủ lớn do Bộ TT&TT cấp phép.