Các hộp sữa bột giả bị công an phát hiện. (Nguồn ảnh: VTV)
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các nền tảng mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới như Meta, Google, Tik Tok Pte. Ltd thực hiện 3 nội dung chính:
1. Triển khai ngay các biện pháp kỹ thuật, nhân sự để rà quét, phát hiện và ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo có nội dung liên quan đến 84 sản phẩm sữa thuộc danh sách bị thu hồi và khuyến cáo không sử dụng của Bộ Công an, Bộ Y tế trên nền tảng, ứng dụng do đơn vị mình cung cấp, quản lý.
2. Chủ động cập nhật danh sách sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi hoặc khuyến cáo không sử dụng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Bộ Y tế và cơ quan có thẩm quyền để rà quét, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời các nội dung quảng cáo liên quan.
3. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo trên mạng, nhất là quảng cáo liên quan đến nhóm sản phẩm, thực phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các nền tảng tăng cường kiểm duyệt nội dung quảng cáo trên mạng xã hội, phối hợp ngăn chặn và gỡ bỏ quảng cáo vi phạm khi phát hiện hoặc theo yêu cầu từ cơ quan chức năng.
Các đơn vị cũng được yêu cầu thông báo đến người dùng về việc thận trọng khi đăng tải, chia sẻ nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt các sản phẩm thuộc nhóm đặc biệt và phản ánh với cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Trước đó, Bộ Công an và Bộ Y tế công bố trên cổng thông tin điện tử danh sách 84 sản phẩm sữa do Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, bị yêu cầu thu hồi và khuyến cáo người dân không sử dụng do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.