Diễn biến thị trường
Báo cáo công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của lực lượng QLTT trong ngày 27/7 đến 28/7 cho thấy, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ.
Ghi nhận tại Đà Nẵng, từ 0h ngày 28/7/2020, địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Liên Chiểu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ sở kinh doanh hàng hóa và các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn đồng loạt tạm ngừng hoạt động. Tại các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, lượng người mua trang thiết bị phòng dịch ít hơn các ngày trước. Các tuyến đường trên địa bàn thành phố phương tiện đi lại giảm đáng kể so với ngày bình thường, tình hình tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố số lượng người mua - bán cũng thưa thớt.
QLTT Đăk Lăk tổ chức cho cơ sở kinh doanh ký cam kết không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán
Tại Đắk Lắk, trước những diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo Cục QLTT đã chủ động triển khai để các đội, tổ công tác thực hiện kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết không lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Theo đó, các đơn vị thuộc Cục QLTT đã đồng loạt ra quân kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa thiết yếu, vật tư y tế, khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn… không găm hàng, tạo sự khan hiếm hoặc tăng giá bất hợp lý.
Đến hết ngày 28/7/2020, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn Đắk Lắk cơ bản ổn định, chưa phát hiện trường hợp găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Tại Thừa Thiên Huế nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, định giá bán bất hợp lý, bán cao hơn giá niêm yết,… gây mất ổn định thị trường đối với các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, QLTT tỉnh này đã chủ động triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bên cạnh việc tuyên truyền các quy định của pháp luật và chế tài xử lý vi phạm về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, lực lượng QLTT tiếp tục tổ chức cho các cơ sở kinh doanh các mặt hàng này ký cam kết về chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đồng thời chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình thị trường để găm hàng, định giá bán bất hợp lý; sản xuất, buôn bán khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng,....
Lực lượng liên ngành Thừa Thiên – Huế kiểm tra niêm yết giá tại điểm kinh doanh
Kiểm tra, xử lý vi phạm
Ngày 28/7/2020, Đội quản lý thị trường số 5, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng kiểm tra đột xuất địa chỉ 123/34 Mẹ Suốt phát hiện 15.000 khẩu trang loại 3 lớp, 6.000 khẩu trang 4 lớp không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, đang được đóng hộp chuẩn bị đi tiêu thụ.
Theo lời khai của bà Phan Thị Hoan, số khẩu trang này mua của một đơn vị ở phía Bắc. Hiện Đội QLTT đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số khẩu trang trên, tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện 01 trường hợp tập kết hàng hóa, không người thừa nhận chủ sở hữu. Đội đã tạm giữ hàng hoá gồm 2.500 khẩu trang hiệu Bayoka loại 4 lớp, có địa chỉ cơ sở sản xuất là Chi nhánh công ty TNHH Tân Thái Bình Dương, địa chỉ: 180, Lò Siêu, phường 12, Quận 11, TP Hồ Chí Minh.
Trong ngày, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang kết thúc xử lý 01 vụ việc với 02 hành vi vi phạm: Buôn bán hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố gồm 7.500 cái khẩu trang, số tiền xử phạt 30 triệu đồng; Buôn bán hàng hoá có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá gồm 750 cái khẩu trang cao cấp siêu kháng khuẩn hiệu Khang Việt, số tiền xử phạt 2,5 triệu đồng.
Đội QLTT số 1, Cục QLTT Bình Định kiểm tra, phát hiện trên phương tiện xe ô tô tải vận chuyển số lượng lớn khẩu trang y tế không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Vào lúc 13 giờ 30 phút, ngày 27/7/2020, Đội QLTT số1 đã tiến hành khám xét theo thủ tục hành chính với xe tải 51C-655.XX do lái xe Huỳnh Trần M. (thường trú xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) điều khiển, đang đậu đỗ bỏ hàng trên tuyến Quốc lộ QL1A thuộc khu phố 5, phường Bồng Sơn, Thị xã Hoài Nhơn đã phát hiện lượng lớn khẩu trang y tế không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc gồm 18.000 khẩu trang y tế 3-Layer Maedical Disposable Face mask; 50.000 khẩu trang y tế hiệu GEMS mask; và 2.500 khẩu trang y tế hiệu Mattoma pro. Toàn bộ số khẩu trang đã bị tạm giữ, làm rõ xử lý theo quy định pháp luật.
Tình hình giá cả một số mặt hàng kinh doanh tại địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày 29/7/2020 Hàng hóa là khẩu trang, nước sát khuẩn, găng tay y tế được bán nhiều loại khác nhau với giá khác nhau, cụ thể giá bán như sau: Khẩu trang giá từ 2.000 đồng/cái đến 45.000 đồng/cái; Gel rửa tay khô giá từ 35.000 đồng/chai đến 120.000 đồng/chai; Găng tay y tế giá từ 75.000 – 100.000 đồng/hộp/100 cái; Cồn 70 độ giá từ 65.000 đồng/chai/100ml. Giá hàng hóa là lương thực, thực phẩm ổn định, không có nhiều biến động, gạo dao động từ 11.500 đồng/kg đến 25.000 đồng/kg; mì ăn liền có giá từ 97.000 đồng/thùng đến 110.000 đồng/thùng; dầu ăn có giá từ 31.700 đồng/chai/1 lít đến 50.900 đồng/1lít; nước mắm loại 500 ml có giá từ 21.000 đồng/chai đến 34.700 đồng/chai; thịt heo mông có giá 150.000 đồng/kg - 180.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 180.000 đồng/kg - 190.000 đồng/kg; thịt bò có giá 250.000 đồng/kg; cá thu: 160.000 đồng/kg; cá ngừ: 80.000 đồng/kg. |