Công điện nêu rõ vào sáng 24/7, tại căn nhà trên đường DJ 15 Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm sáu người tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định bị ngạt khí, do sử dụng máy phát điện bất cẩn trong nhà đóng kín.
Máy phát điện, "thủ phạm" gây ra tai nạn thương tâm khiến 6 người tại Bến Cát tử vong
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình, thân nhân người bị nạn. Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên và có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị nạn theo quy định; đồng thời tiếp tục tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả và thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.
Hiện nay, do tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến cung ứng điện một số khu vực cũng như sử dụng điện của người dân, trong đó có việc người dân sử dụng máy phát điện nhiên liệu xăng, dầu tự cấp điện khi có sự cố lưới điện dẫn đến không đảm bảo cung ứng điện từ lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị này không đúng cách sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người sử dụng và những người có liên quan.
Báo kinhtedothi.vn tổng hợp một số lưu ý mà gia đình sử dụng máy phát điện cần biết để trành những tại nan đáng tiếc xảy ra.
Những lưu ý khi sử dụng máy phát điện
Để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng máy phát điện, cơ quan cảnh sát PCCC khuyến cáo người dân cần chú ý một số vấn đề sau:
- Ngay từ khi đổ nhiên liệu phải thao tác ở nơi không có ngọn lửa, tia lửa điện, thuốc lá… vì hơi xăng dầu bay ra có thể gặp nguồn nhiệt gây cháy.
- Phải tắt máy phát điện và để nguội trước khi tiếp nhiên liệu vì xăng dầu đổ vào động cơ đang nóng có thể bốc cháy.
- Nên lắp cầu dao đảo nguồn điện hay tủ chuyển nguồn tự động (ATS) hoặc phải chú ý để ngắt máy khi có điện.
- Máy nổ và máy phát điện không nên đóng và ngắt đột ngột. Nên đóng điện máy nổ và máy phát điện sau đó khoảng vài phút rồi mới bật dần các thiết bị điện như ti vi, quạt...
- Cần tính toán không để máy quá tải gây cháy. Trước khi tắt cũng nên để máy chạy không tải khoảng 2 phút để cho các trục, quạt hoạt động được bền.
- Chỉ sử dụng loại nhiên liệu được khuyên dùng theo hướng dẫn sử dụng máy phát điện hoặc được ghi trên nhóm máy.
Phòng tránh ngạt khí khi sử dụng máy phát điện
Bác sĩ khuyến cáo người dân vào mùa hè nắng nóng hay xảy ra tình trạng mất điện, nhiều gia đình có tự trang bị máy phát điện.
Máy phát điện cũ, kém chất lượng thì lượng khí xả càng lớn vì nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn và chỗ còn thừa sẽ trở thành khí độc. Vì vậy khi mua máy phát điện, các gia đình nên chọn loại có hiệu suất biến đổi năng lượng cao để tiêu thụ tốt số xăng dầu đưa vào, biến nó thành điện thay vì khí thải độc hại.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất là điều cực kỳ quan trọng. Nếu người dùng không có chuyên môn cần tham khảo và nhờ tư vấn của những người có chuyên môn về vấn đề này.
Không bao giờ sử dụng máy phát điện cơ động trong gara, nhà để xe, tầng hầm, gầm sàn hoặc ở một nơi khép kín hoặc khép kín một phần, ngay cả khi có thông gió. Việc mở cửa sổ hoặc dùng quạt cũng không thể ngăn ngừa khí CO tích tụ trong nhà. Lưu ý: Bạn không thể ngửi thấy Carbon Monoxide.
Với máy phát điện ngoài trời, hãy đặt máy cách xa cửa sổ, cửa chính, ống thông khí - những nơi có thể đưa khí CO vào trong nhà.
Sơ cấp cứu kịp thời người bị ngạt khí CO
Khi phát hiện nạn nhân ngộ độc khí CO, cần khẩn trương sơ cấp cứu theo trình tự: Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt (tuy nhiên lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu). Nhanh chóng gọi người hỗ trợ để sơ cứu cho nạn nhân, đồng thời gọi cấp cứu 115. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay.
Cách hô hấp, hà hơi thổi ngạt: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu nạn nhân ngừng tim phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, ép tim ngoài lồng ngực.
Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2 - 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 - 15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và nạn nhân thở trở lại. Sau đó, khẩn trương chuyển nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.