Dùng vòi tăng áp
Ưu điểm của vòi tăng áp là khiến dòng nước phun ra với lực mạnh hơn, dễ dàng làm sạch các vết bẩn hơn mà chỉ tiêu thụ khối lượng nước rất nhỏ. Bạn có thể thay đầu vòi thông thường ở bồn rửa bát và vòi sen nhà tắm thành đầu vòi tăng áp với chi phí khá rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đồng tới hơn một trăm nghìn đồng.
Dùng thiết bị lọc nước không có nước thải
Lượng nước thải từ máy lọc nuớc chứa các chất ô nhiễm nên thường không được tận dụng mà sẽ bị thải bỏ. Dù vậy, số nước thải này vẫn được tính vào tiền nước của bạn mỗi tháng. Để giảm tải cho hóa đơn nước, bạn có thể chuyển sang dùng máy lọc nước không tạo nước thải.
Loại này thường là máy lọc tại vòi, có màng lọc hấp thu chất ô nhiễm. Các chất bẩn sẽ bị giữ lại ở lõi lọc, bạn chỉ cần thay lõi lọc này định kỳ (khoảng 3 tháng/lần). Nước sau lọc sẽ là nước sạch có thể dùng được ngay, không tạo nước thải và tiết kiệm nước hơn.
Điều chỉnh phao bồn cầu
Với phao bồn cầu dạng piston nhựa, bạn hãy ghi nhớ một quy tắc: Vặn phao theo chiều kim đồng hồ thì sẽ giảm lượng nước xả và ngược lại. Dạng phao này còn có con vít cho phép bạn điều chỉnh cánh tay đòn của phao, từ đó tùy chỉnh lượng nước tối thiểu cần dùng để xả sau mỗi lần “giải quyết nỗi buồn”.
Với phao bồn cầu dạng cảm ứng áp lực nước, bạn hãy tìm 1 con ốc nằm trên đỉnh van nước xả, sau đó xoay vít ngược chiều kim đồng hồ để hạ mực nước trong bể.
Kiểm tra rò rỉ đường ống
Đường ống nước bị rò rỉ chính là một trong những nguyên nhân khiến hóa đơn nước nhà bạn tăng đột biến.
Nước trong nhà thường có thể bị rò ở ống nối, vòi nước và cả bồn cầu. Do đó, bạn nên tạo thói quen kiểm tra hệ thống nước định kỳ trong nhà để phát hiện và sửa chữa kịp thời, bớt đi những khoản phát sinh không mong muốn. Chưa kể, đường ống nước bị hỏng còn dẫn đến nguy cơ ẩm mốc tường nhà, khiến các thiết bị liên quan bị xuống cấp nhanh hơn.