Tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng |
Tại buổi tọa đàm, bất cập được DN nêu ra đó là vấn đề thực thi pháp luật, thủ tục hành chính, quá trình thụ lý, xử lý trường hợp vi phạm của các cơ quan chức năng còn phức tạp. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, “đè bẹp” hàng thật.
Nguy hiểm nhất là nhiều mặt hàng giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân như thuốc, phân bón, thực phẩm, mỹ phẩm… Trong khi đó, luật pháp còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe, có những cơ quan chức năng địa phương còn tạo điều kiện cho các DN làm ăn bất chính khắc phục, tiếp tục lưu hành hàng nhái ngay cả khi chưa bị xử lý vi phạm.
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn - chật vật suốt 15 năm đấu tranh bảo vệ thương hiệu cho “đứa con tinh thần”, bức xúc: “Sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, thủ đoạn; sản phẩm được chia nhỏ, không làm cục bộ nên các cơ quan chức năng rất khó bắt và xử phạt. Luật pháp còn nhiều kẽ hở để các DN bất chính luồn lách, văn bản thực thi thì quá nhiều, rắc rối, mất thời gian, phát sinh nhiều bất cập.
DN bị ăn cắp thương hiệu không biết “kêu cứu” ai, kêu cứu đơn vị nào. DN đã phải chịu thiệt hại kinh tế nặng nề còn phải tự thân vận động làm thay việc của các cơ quan chức năng nên không đủ sức mà chạy”.
Nhằm giải quyết vấn đề, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị cơ quan các cấp trung ương rút gọn các thủ tục, điều luật không còn phù hợp, nên quy về một mối sao cho đồng bộ, minh bạch. Tăng cường truyền thông, thông tin về các vụ DN bất chính bị khởi tố đồng thời nâng cao nhận thức của người dân cùng chung tay với DN tẩy chay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, nhà nước cần hết sức quan tâm, giúp đỡ DN, có bản hướng dẫn chi tiết về các thủ tục và phải giải quyết nhanh chóng. Đồng thời bà Trương Thị Hòa cũng lên tiếng báo động các luật sư về lương tâm, đạo đức nghề nghiệp khi tham gia tư vấn, bào chữa cho các DN làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.