Trước đây, Điện lực Bình Phú (718, Kinh Dương Vương, P13, Q6, TP Hồ Chí Minh) đã để xảy ra các "sự cố": Để thời gian 1,5 tháng mới tính tiền điện thay vì 1 tháng, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng; điện kế tự hỏng, khi thay thế lại thu tiền người sử dụng; hay trước đó đã xảy ra trường hợp đấu nối dây tiếp đất sai kỹ thuật, gây cái chết thảm thương cho một em bé...
Sau này, cùng với quyết tâm thay đổi cách tiếp cận, cách bán hàng, tư tưởng kinh doanh độc quyền vốn có của ngành điện, của Điện lực TP Hồ Chí Minh nói chung, Điện lực Bình Phú nói riêng đã có không ít chuyển biến, như cho phép nộp tiền điện qua ngân hàng, các điểm thu hộ (siêu thị điện máy, bưu điện...), thông báo số tiền điện khách hàng sử dụng qua tin nhắn... Tuy nhiên, cách thông báo và thực hiện việc cắt điện của Điện lực Bình Phú vẫn còn cho thấy sự thiếu nhân văn, thiếu sự chia sẻ với "thượng đế" của mình!
Thông báo tiền điện, thông báo cắt điện và thực hiện cắt ngay trong ngày của Điện lực Bình Phú |
Theo đó, ngoài tin nhắn báo cước, khách hàng nhận 02 thông báo bằng giấy cho kỳ thu tiền điện tháng 11/2017 của Điện lực Bình Phú. Trong đó, Thông báo ngày 25/11 nêu "thời gian thu tiền tại các điểm thu từ ngày 27/11/2017". Thông báo ngày 12/12/2017 là về việc "ngưng cấp điện". Và ngay trong ngày 12/12, khi nhân viên điện lực cầm thông báo cắt điện tới nhà khách hàng (dù khách hàng này có ở nhà hay không) thì cũng đồng thời thực việc cắt điện ngay lập tức.
Sẽ thiếu công tâm, khách quan, nếu khách hàng than phiền về việc cắt điện này (?!) bởi Điện lực Bình Phú đã có thông báo thời hạn đóng tiền trước đó! Tuy nhiên, việc thông báo cắt điện và thực hiện cắt điện ngay lập tức, vào thời điểm người dân đi làm, sẽ không cho khách hàng bất cứ một cơ hội xoay sở nào khác, liệu có thể gọi là vô cảm?
Bởi ngành điện biết rõ, cắt điện tức là cắt mọi hoạt động sống, học tập và làm việc của người dân. Cắt điện vào buổi chiều tối, sẽ càng khó khăn cho người sử dụng có thể kịp thời đóng phí, liên hệ để được đấu nối điện trở lại. Và có thể, với những gia đình có người già, trẻ nhỏ, một đêm không điện, không đèn, sẽ ám ảnh họ rất nhiều..
Và với cách làm "hiểm" và "độc" nêu trên, khách hàng của ngành điện TP Hồ Chí Minh có dám chậm đóng tiền?
Thêm nữa, ngành điện ra thông báo về phí đóng mở ngừng cung cấp điện là 89.100 đồng. Con số 100 đồng cũng là số tiền mà cách tài xế từng sử dụng để đối phó với BOT Cai Lậy về việc đặt trạm thu phí không đúng vị trí. Khách hàng không rõ con số 89.100 đồng ngành điện đưa ra vô tình hay hữu ý, là có cơ sở, hay là chỉ để "làm khó", "dằn mặt" người sử dụng dịch vụ?
Thiết nghĩ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Điện lực TP Hồ Chí Minh hay Điện lực Bình Phú nên xem xét thực hiện thông báo ngưng dịch vụ trước vài ngày như cách nhà mạng, ngân hàng... đang làm, cho khách hàng thêm thời gian xoay sở, để phương châm "lấy khách hàng là trung tâm của sự phát triển" không phải là mỹ từ xoa dịu người dân của ngành điện!?
Tất nhiên, khách hàng không có quyền lựa chọn, hay ép buộc ngành điện phải thực hiện các đề xuất trên, bởi họ cần điện, không thể không dùng điện, và chắc chắn không thể tìm một nhà cung cấp dịch vụ khác.
Giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm trở nên văn minh, nhân ái, nghĩa tình...nhưng một "thông báo và cách làm" của Điện lực Bình Phú đã đẩy người dân vào nguy cơ không điện, không đèn, không nấu ăn, chăm sóc trẻ nhỏ, người bệnh..., liệu có phải là sự thiếu cảm thông, thiếu nhân văn, thậm chí hơi... tàn nhẫn?!