Sáng 7/10, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (ATGTQG) và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) đồng tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kỳ và định hướng chương trình hành động về chất lượng mũ bảo hiểm trong khuôn khổ dự án “Hành trang An toàn” do Quỹ UPS tài trợ.
Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm vừa được Quỹ AIP phối hợp cùng Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên. Nhóm đã thu thập ngẫu nhiên 540 mũ bảo hiểm đang được sử dụng của người lớn và trẻ em tại TP Hồ Chí Minh và Thái Nguyên để tiến hành nghiên cứu.
Kết quả cho thấy có 25,9% số mũ được chọn khảo sát là mũ “lưỡi trai”, lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng nên không được xem là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy theo quy định tại tiêu chuẩn QCVN2: 2008/BKHCN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy).
Điều đáng nói là chỉ có 10,1% trong tổng số 540 mũ mang vào thử nghiệm là đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập theo quy trình thử nghiệm quy định tại QCVN2: 2008/BKHCN. Hay nói cách khác, 89,9% tổng số mũ được thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không bảo vệ được người sử dụng khỏi nguy cơ chấn thương sọ não trong trường hợp không may gặp tai nạn giao thông.
Đội mũ bảo biểm đạt chuẩn có thể giảm tỉ lệ tử vong gần 50%.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định: Kết quả nghiên cứu đã phản ánh một phần về thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn chất lượng dẫn đến hạn chế trong việc giảm thiểu tỉ lệ thương vong khi xảy ra va chạm.
Mặc dù lượng mẫu khảo sát còn ít, nhưng kết quả nghiên cứu cũng phần nào phản ánh tình trạng chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường. Điều này đặt ra những câu hỏi lớn đối với hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng đối với loại sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, sinh mạng của nhân dân. Đồng thời, cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện hơn nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy và xe đạp điện ở Việt Nam.
“Tôi đề nghị phải bỏ ngay chữ "mũ bảo hiểm lưỡi trai" trong hồ sơ kiểm định. Không có thuật ngữ nào là "mũ bảo hiểm lưỡi trai" cả. Tại sao cứ 100 người ngã xuống đường thì đa số là bị chấn thương đầu, số người không bị chấn thương rất ít. Trong khi đi nghiên cứu cho thấy, nếu đội mũ đạt chuẩn thì giảm thiểu chấn thương sọ não rất cao nếu có va chạm. Tôi cho rằng cần đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu trước”, ông Hùng nói.
Mũ “lưỡi trai”, lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng nên không được xem là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy theo quy định tại tiêu chuẩn QCVN2: 2008/BKHCN.
Theo ông Mai Văn Sủng, phó giám đốc Quatest3, thì cần hiểu đúng đây chỉ là nghiên cứu trong nhóm nhỏ chứ không phải là hơn 80% mũ trên thị trường là không đạt, "nói như vậy là nói oan cho các nhà sản xuất". Theo ông, sau chất lượng là trách nhiệm của Cơ quan quản lý, cơ quan kiểm soát thực thi pháp luật, nhưng chính doanh nghiệp phải là người chịu trách nhiệm đến chất lượng mũ bảo hiểm.
Theo chuyên gia Đinh Văn Trữ, CLB doanh nghiệp mũ bảo hiểm TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cần chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm. Phần lớn mũ bảo hiểm các em học sinh đội đều kém chất lượng. Đi ngoài đường đâu đâu cũng thấy sản phẩm quà tặng là mũ bảo hiểm, vấn đề chất lượng cũng là vấn đề cần đặt ra.
Ngoài chất lượng, các chuyên gia cũng cho rằng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt những mặt hàng mũ bảo hiểm là hàng trôi nổi. Đồng thời phải giáo dục, tuyên truyền nhiều hơn nữa từ đó để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khi sử dụng mũ bảo hiểm.