Ai cũng mong muốn sở hữu cho mình những chiếc vé máy bay giá rẻ mỗi dịp lễ Tết về. Nhưng do giá vé dịp Tết khá cao nên những lời mời chào vé rẻ luôn được nhiều người chú ý. Nhiều người “săn” vé giá rẻ đã dính phải các chiêu lừa của những đại lý “ma”.
Các hãng hàng không khuyến cáo khách hàng mua vé qua mạng nên tự đặt vé cho mình và không nên tham vé quá rẻ.
Chia sẻ trên Zing.vn, chị T. Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, tới tận khi ra sân bay, gia đình chị mới phát hiện vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội đi Đà Nẵng mà chị mua qua mạng là vé giả. Đây là vé mà chị đã mua qua một đầu mối trên mạng xã hội trước thời điểm bay 4 tháng.
"Nhân viên hãng bay nói vé của tôi và gia đình đã bị hủy do chưa thanh toán, trong khi tôi đã chuyển khoản cho bên bán vé gần 7 triệu đồng", chị Liên bức xúc kể lại.
"Vé máy bay" mà chị Liên nhận được thực chất chỉ là xác nhận đặt chỗ trong 24 giờ chờ thanh toán. Sau khoảng thời gian này, các "đại lý" trên sẽ không thực hiên thanh toán và để vé tự hủy trên hệ thống dù đã nhận tiền của khách bay. Đây là cách mà các đối tượng lừa đảo vé máy bay thường sử dụng để trục lợi.
"Khi tôi hỏi người bán vé vì sao lại là chưa thanh toán thì họ nói do tôi chưa chuyển khoản cho họ nên họ chưa báo với hãng hàng không. Khi nào chuyển khoản thành công, đại lý sẽ báo cho hãng hàng không để xác nhận thanh toán", chị Liên nói.
"Sau khi chuyển khoản, tôi cũng yên tâm nên không kiểm tra lại, tới ngày bay mới biết bị lừa. Muốn liên lạc lại thì tài khoản kia đã bị khóa", khách hàng mất gần 7 triệu đồng tiền vì vé máy bay giả cho hay.
Mới đây, đại diện của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, hãng đã tiếp nhận thông tin phản ánh từ thực tập sinh, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản cho biết họ bị lừa cả tỷ đồng khi mua phải vé máy bay giá rẻ để về quê dịp Tết Nguyên đán 2019.
Theo chính sách của các hãng bay, khách đặt vé sẽ được giữ chỗ trong vòng 24h cùng với mã đặt chỗ, sau đó khách phải chuyển tiền cho hãng để lấy vé máy bay. Lợi dụng chính sách này, các đối tượng lừa đảo sẽ lấy mã đặt chỗ và chuyển cho khách hàng làm tin.
Khi nhận mã đặt chỗ, khách hàng lầm tưởng đã có vé và nhanh chóng thanh toán tiền cho đối tượng. Sau khi nhận tiền của khách hàng, đối tượng lừa đảo đã không thanh toán cho hãng hàng không và để cho mã đặt chỗ tự hủy sau khi hết hạn.
Thậm chí, một thủ đoạn tinh vi hơn là các đối tượng vẫn tiến hành thanh toán, xuất vé cho khách. Tuy nhiên, sau đó những người này âm thầm liên lạc với hãng hàng không để hoàn vé với lý do hành khách không đi nữa rồi nhận lại số tiền mua vé và chỉ phải chịu một khoản chi phí nhỏ làm thủ tục hoàn vé. Với chiêu thức này nhiều người đã bị lừa, khi liên hệ tới các hãng thì mới biết vé đã bị hủy và các hãng không có cách nào khác để giúp hành khách.
Đối tượng Phạm Minh Tân vừa bị bắt về hành vi bán vé máy bay giả.
Tình trạng này diễn ra với khách hàng của cả 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific bởi cả 3 hãng đều có chức năng thanh toán sau 24 giờ đặt chỗ.
Các hãng bay cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo với khách hàng về hình thức lừa đảo này. Đại diện nhiều hãng chia sẻ do đây là giao dịch dân sự giữa các cá nhân, hãng không thể hỗ trợ xử lý các sự vụ, chỉ dừng ở mức cảnh báo, tư vấn.
Trước đó, ngày 7/1, Công an thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã bàn giao đối tượng Phạm Minh Tân (23 tuổi) ngụ Hà Nội, cho Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa bán vé máy bay giả .
Theo đó, đầu năm 2017, Tân lên Facebook đăng tải thông tin lừa bán vé máy bay giả cho rất nhiều người và đã chiếm đoạt trên 200 triệu đồng. Cuối tháng 8/2018, Tân bị khởi tố nhưng bỏ trốn, đến ngày ngày 3/1 thì bị bắt tại Buôn Ma Thuột.