Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Các đơn vị thực hiện công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các đường link, địa chỉ đó, tránh ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế.
Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo, các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa địa phương hoặc Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử (Bộ VHTT&DL) phụ trách mạng xã hội, website, facebook, youtube, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) quản lý trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử để xác định chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành.
Trước đó, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Theo quy định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố đủ căn cứ xác định là hàng giả. Từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, nhóm này lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả. Đường dây sản xuất sữa giả này có hệ sinh thái phủ cả nước.
Công an tỉnh Phú Thọ cũng phát hiện Công ty TNHH Famimoto Việt Nam sản xuất lượng lớn mì chính, dầu ăn, hạt nêm, bột canh có dấu hiệu giả. Theo kết quả trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an, thành phần, định lượng, định tính giá trị dinh dưỡng trong các sản phẩm mì chính, dầu ăn, bột canh cao cấp và hạt nêm đều không đạt so với các chỉ tiêu công ty công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng các sản phẩm được làm giả đã được cơ quan công an công bố.