Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đưa ra tại tọa đàm về Công dân số và Hưởng ứng ngày sử dụng An toàn Internet 2017 vừa tổ chức tại Hà Nội, có ba nhóm người dễ bị lừa đảo khi tham gia mua hàng trên mạng đó là nhóm người tiêu dùng ngây thơ, nhóm người lơ đễnh và nhóm ham lợi cứ thấy rẻ là mua.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng đối với nhóm người tiêu dùng ngây thơ (bản tính gặp ai cũng thấy tốt, thấy hay và dễ kết bạn), đây là những người thường không tìm hiểu kỹ thông tin đã tiến hành mua bán, gây ra tình trạng mất an toàn thông tin cá nhân khi mua bán trực tuyến.
Thứ hai là nhóm người lơ đễnh, tuy có kiến thức nhất định về mạng, bảo mật nhưng vì lý do gì đó lại lơ đễnh mua không đúng hãng, mua phải hàng nhái, bị lừa đảo.
Nhóm người thứ ba là nhóm ham lợi. Đây là nhóm người rất lớn và phổ biến hiện nay, ví dụ như các nhóm đa cấp có hàng chục nghìn người trên mạng.
“Ví dụ, những đối tượng này khi thấy một chiếc iPhone đời mới vốn có giá hàng chục triệu đồng nhưng thấy trên mạng rao bán chỉ vài ba triệu nên đã đặt mua ngay, không ngờ lại bị lừa đó là hàng nhái”, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng đưa ra ví dụ.
Đừng vội tin vào sản phẩm được quảng cáo, hình ảnh mẫu trên mạng để không nhận phải "quả đắng". |
Xét về mặt nào đó, những nhóm người “hám lợi”, “ngây thơ” mua hàng… không suy tính nhiều cũng tham gia thúc đẩy thương mại điện tử nhưng về mặt lâu dài chính họ lại gây ra tình trạng mất an toàn thông tin, đồng thời do biết bản thân bị lừa đảo nên về sau không tham gia mua bán trực tuyến, gây bất lợi cho thương mại điện tử.
“Người mua hàng trên mạng cần phải cẩn thận hơn, đừng lơ đễnh và ham lợi quá”, ông Nguyễn Thanh Hưng khuyến cáo, đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề người tiêu dùng khi tham gia mua bán trên mạng phải lưu ý bảo vệ thông tin cá nhân.
“Hầu như người tiêu dùng Việt Nam không quan tâm đến vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Doanh nghiệp, cơ quan quản lý thì lo nhưng người tiêu dùng lại không lo đến vấn đề này”, ông Hưng nhận định, đồng thời cho rằng có lẽ thực tế đó xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là văn hóa người Việt Nam khi gặp nhau coi chuyện hỏi han thông tin cá nhân là bình thường, là nét đẹp trong khi bản chất đó toàn là những thông tin nhạy cảm. Tại các nước phát triển, việc hỏi những câu như bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu, có chồng chưa, con học ở đâu, lương bao nhiêu… rất tối kỵ. Ngoài ra tại nước ngoài rất hạn chế nhắc đến năm sinh, chỉ đề cập đến ngày và tháng thì tại Việt Nam lại không như vậy.
Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sắm trên mạng cần nghiên cứu kỹ địa chỉ đăng ký của website, không được dễ dãi tiếp nhận và cài đặt những phần mềm không rõ nguồn gốc, hết sức thận trọng khi điền tài khoản ngân hàng cũng như mật khẩu hoặc mật mã để đề phòng những trang mạng nhử mồi câu cá, để ngăn chặn lộ lọt thông tin cá nhân tạo nên tổn thất về kinh tế.
Ngoài ra, khi đăng nhập trang mạng mua sắm phải kiểm tra kỹ xem tên miền của trang đó có chính xác không, thận trọng nhấn vào thương gia bằng công cụ hỗ trợ nhắn tin tức thời, để đề phòng mạng nhử mồi câu cá.