Vị thế sản lượng và nỗi lo giá trị
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, với sản lượng hàng năm đạt mức ấn tượng (theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,32 triệu tấn, trị giá 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về lượng, nhưng tăng 29,1% về giá trị so với năm 2023). Trong đó thế mạnh là hạt cà phê Robusta của Việt Nam chiếm phần lớn lượng cà phê Robusta giao dịch toàn cầu. Điều này cho thấy tiềm lực to lớn của ngành. Tuy nhiên, thực trạng đáng lo ngại là phần lớn cà phê xuất khẩu vẫn dưới dạng thô (hạt xanh), hoặc chỉ qua sơ chế đơn giản.
Việc tập trung vào xuất khẩu hạt thô khiến Việt Nam trở nên nhạy cảm với biến động giá trên thị trường thế giới. Khi giá cà phê xuống thấp, người nông dân và DN xuất khẩu đối mặt với thua lỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống. Giá trị gia tăng thu được từ mỗi kg cà phê xuất khẩu còn rất thấp so với các quốc gia tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị như rang xay, chế biến sâu, đóng gói và xây dựng thương hiệu.
Người nông dân với niềm vui mùa vụ bội thu.
Một thách thức khác là vấn đề chất lượng. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong canh tác và sơ chế, nhưng sự thiếu đồng đều về chất lượng giữa các vùng trồng, các hộ nông dân vẫn tồn tại. Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hoặc kỹ thuật thu hoạch, sơ chế chưa chuẩn mực đôi khi làm ảnh hưởng đến hương vị đặc trưng và tiềm năng phát triển cà phê đặc sản (specialty coffee) của Việt Nam.
Ngoài ra, thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường quốc tế dù đã được biết đến về nguồn gốc, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ với tư cách là một thương hiệu sản phẩm cuối cùng (end-product brand). Người tiêu dùng nước ngoài có thể biết đến cà phê từ Việt Nam, nhưng chưa thực sự hiểu và yêu thích, ưu tiên sử dụng phổ biến và mở rộng thương mại các thương hiệu cà phê của Việt Nam, ngoại trừ một số ít thương hiệu đã nỗ lực xây dựng.
Con đường nâng tầm giá trị cà phê bền vững
Để vượt qua những thách thức hiện tại và thực sự nâng tầm giá trị cà phê Việt Nam, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Nhà nước, DN và người nông dân, tập trung vào các giải pháp then chốt.
Canh tác đa tầng, đa tán và theo hướng hữu cơ đang là sự lựa chọn của nhiều nông hộ tại tỉnh Đắk Lắk.
Đầu tư vào xây dựng chất lượng và canh tác bền vững có thể xem là một trong những giải pháp then chốt. Chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy năng suất sang chất lượng. Khuyến khích và hỗ trợ nông dân áp dụng các tiêu chuẩn canh tác bền vững như VietGAP, GlobalGAP, 4C, chứng nhận hữu cơ… Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống, chịu sâu bệnh tốt hơn. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển và quảng bá cà phê Arabica ở những vùng có thổ nhưỡng phù hợp, cùng với việc nâng cao chất lượng Robusta để đáp ứng yêu cầu của thị trường cà phê đặc sản đang ngày càng phát triển.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công Lê Văn Vương tại số 231 Y Wang, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho rằng: "Đẩy mạnh chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm là yếu tố cốt lõi để nâng cao giá trị. Đa dạng hóa sản phẩm không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường mà còn giữ lại phần lớn lợi nhuận ngay tại Việt Nam".
Xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia và từng địa phương. Cần có chiến lược bài bản để xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Tận dụng các chỉ dẫn địa lý nổi tiếng như "Cà phê Buôn Ma Thuột", “Cà phê Chè Arabica Sơn La”, “Cà phê Chè Khe Sanh”, “Cà phê Arabica Cầu Đất”, “Cà phê Chư Păh”… để tạo dựng câu chuyện về nguồn gốc, văn hóa và đặc trưng hương vị. Hỗ trợ DN Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá trên các kênh truyền thông toàn cầu. Khuyến khích việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cà phê chế biến cuối cùng, không chỉ là nguyên liệu.
"Phát triển mạnh thị trường cà phê sạch, cà phê đặc sản là một trong những biện pháp nhăm nâng cao giá trị cà phê. Cần đầu tư vào quy trình thu hái chọn lọc, sơ chế nâng cao và đào tạo các chuyên gia thử nếm (cupper) để đánh giá và phân loại cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế" - Giám đốc Công ty TNHH Cafe A Vàng Quách Bình Dương tại số 137/6 thôn cầu Đất, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Củng cố chuỗi giá trị và liên kết sản xuất. Tăng cường liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã, DN chế biến và xuất khẩu. Xây dựng các mô hình chuỗi giá trị khép kín, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong phân chia lợi ích. Hỗ trợ nông dân tiếp cận thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật và nguồn vốn.
Đồng thời chính sách hỗ trợ đặc thù từ Nhà nước cũng góp phần quan trọng trong việc nâng tầm giá trị cà phê Việt Nam. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, công nghệ, xúc tiến thương mại cho các DN đầu tư vào chế biến sâu, phát triển thương hiệu và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển cà phê đặc sản và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu cà phê Việt Nam.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 – năm 2025 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" không chỉ là lời khẳng định vị thế, mà còn là khát vọng vươn tầm quốc tế của cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cả nước nói chung.
Hành trình nâng tầm giá trị cà phê Việt Nam là con đường dài và nhiều gian nan; nhưng đây có thể xem là hướng đi tất yếu và đầy tiềm năng. Bằng cách tập trung vào chất lượng, đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và củng cố chuỗi liên kết… Có thể khẳng định cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục những phân khúc thị trường cao cấp hơn, mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân và khẳng định vị thế vững chắc không chỉ về sản lượng mà còn về chất lượng và thương hiệu trên bản đồ cà phê thế giới. Đắk Lắk nói riêng và các vùng trồng cà phê khác của Việt Nam sẽ không chỉ là nơi cung cấp hạt cà phê thô, mà sẽ trở thành trung tâm của những thương hiệu cà phê chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, vươn xa trên toàn cầu.
Ngày 9/5/2025, UBND huyện Ea H’leo chủ trì, phối hợp với Báo Kinh tế & Đô thị (cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo”. Với mục đích nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cung cấp thông tin về các phương pháp canh tác cà phê bền vững, công nghệ mới và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất cà phê. Thảo luận về các giải pháp phát triển cà phê bền vững, xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững; đề xuất các chính sách, chương trình hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan để thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững tại huyện Ea H’leo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Ea H’leo nói riêng và toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung. Tạo cơ hội kết nối và hợp tác giữa các cơ quan quản lý, DN, nhà khoa học và nông dân để cùng phát triển ngành cà phê. Tăng cường nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của phát triển cà phê bền vững, bảo về môi trường và duy trì chất lượng cây trồng; mở rộng cơ hội giao thương và kết nối với các DN, nhà phân phối cà phê, người trồng cà phê. Thời gian: Sáng 9/5/2025 Địa điểm: Hội trường Công an huyện Ea H’leo (cũ) - địa chỉ: 651B đường Giải Phóng, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. |