Thứ 3, 19/11/2024, 10:27 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Năm 2021 ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD

Năm 2021 ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD
(Tieudung.vn) - Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết quả xuất khẩu điều của Việt Nam năm 2020 đạt kim ngạch 3,188 tỷ USD, bằng 97% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Về nhập khẩu điều thô nguyên liệu đạt 1,38 triệu tấn, với tổng giá trị nhập khẩu 1,7 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học – công nghệ ngành điều năm 2020 diễn ra chiều ngày 8/1 tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng, nguyên nhân sụp giảm trên là ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 làm cho việc giao thương hết sức khó khăn. Tình hình đại dịch Covid-19 hay việc thực thi, thay đổi chính sách thương mại của một số nước liên quan đến hoạt động của ngành điều (trong đó có những nước lớn, những nước là bạn hàng lớn của ngành điều Việt Nam) đã tác động mạnh đến và hoạt động của các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam trong thời gian qua. Vinacas đã kịp thời thông báo và khuyến cáo đến Hội viên để chủ động nắm bắt tình hình, căn cứ vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp mình mà đưa ra những việc làm phù hợp. Trước những khó khăn dồn dập như vậy, kết quả sản xuất, kinh doanh như trên cũng được xem thành công của ngành.

Năm 2021 ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD

Hiện nay đa số các nhà máy chế biến điều tại Việt Nam đều được cơ giới hóa

Cũng theo lãnh đạo Vinacas, chủ trương của ngành điều trong năm 2021 là tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu “giữ lượng, tăng chất, tăng giá” trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Cụ thể kế hoạch xuất khẩu nhân điều năm 2021 với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,6 tỷ USD (tăng, đạt 112,9% so với năm 2020).

Đánh giá thực trạng quá trình cơ khí hóa, tự động hóa trong các nhà máy chế biến điều tại Việt Nam hiện nay, ông Công cho rằng: Hiện nay đa số các nhà máy chế biến điều tại Việt Nam đều được cơ giới hóa. Tuy nhiên mức độ cơ giới hóa chưa được đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Các công đoạn trước đây sản xuất thủ công cần nhiều lao động như cắt tách vỏ cứng, bóc vỏ lụa, phân loại màu sắc nhân điều hiện nay đã được cơ giới hóa bằng máy móc thiết bị thay thế giảm bớt rất nhiều lao động thủ công. Việc cơ giới hóa này về cơ bản là giảm nhiều lao động chứ chưa thực sự tự động hóa hoàn toàn trong chu trình chế biến, hiệu quả của cơ giới hóa chưa cao vì các vấn đề như: Quy trình chế biến bằng máy chưa được thiết lập hợp lý; Mức độ tận dụng tối ưu máy móc thiết bị chưa cao. Tiết kiệm năng lượng chưa được quan tâm đúng mức. Môi trường làm việc cho người lao động chưa được cải thiện tốt, một số công đoạn công nhân còn phải tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn, khí nóng, dầu vỏ điều làm ảnh hưởng sức khỏe công nhân; Nhiều nhà máy sử dụng lại nguồn nhân lực cũ nhưng chưa được đào tạo lại để đáp ứng tình hình sản xuất mới bằng cơ giới hóa…

Năm 2021 ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD

Các công đoạn trước đây sản xuất thủ công cần nhiều lao động như cắt tách vỏ cứng, bóc vỏ lụa, phân loại màu sắc nhân điều hiện nay đã được cơ giới hóa bằng máy móc thiết bị thay thế giảm bớt rất nhiều lao động thủ công.

Ông Nguyễn Xuân Khôi, Phó Trưởng Ban Khoa học – Vinacas, Phó Chủ nhiệm kiêm Thư ký CLB Công nghệ Thiết bị Chế biến Điều Vinacas, Giám Đốc công ty Viet Mold Machine cho rằng, ngành điều nên chuyển dịch dần từ chế biến thô sang chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị thương hiệu điều Việt Nam.

“Nên thực hiện bằng những hành động cụ thể và cần thiết như: nghiên cứu thị trường, thành lập câu lạc bộ các nhà nhà máy chế biến sâu để thông tin, liên kết với các trường đại học để nghiên cứu các sản phẩm chế biến sâu và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu, thu hút các nguồn lực tài chính, thu hút nguồn nhân sự để đáp ứng cho doanh nghiệp, thúc đẩy trong nước thông qua các kênh truyền thông, tổ chức quảng bá và phân phối sản phẩm ở các khu vực có đông khách du lịch”, ông Khôi chia sẻ. 

Về máy móc thiết bị cho chế biến sâu: các đơn vị chế tạo máy trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng cung cấp thiết bị phù hợp theo yêu cầu cho các nhà máy chế biến sâu. Các nhà khoa học các doanh nghiệp chế tạo máy cần quyết tâm thực hiện các nghiên cứu và các giải pháp công nghệ đột phá áp dụng cho ngành điều Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp mới, đồng thời hoàn thiện giải pháp công nghệ rút ngắn quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh .

Theo ông Khôi, Hiệp hội điều Việt Nam và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cần có thêm các định hướng, chính sách các ưu đãi để thu hút các nhà khoa học trẻ từ nhiều lĩnh lực tham gia vào nghiên cứu công nghệ phục vụ sản xuất chế biến các sản phẩm ngành điều.

Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ các nhà khoa học, các đơn vị chế tạo máy nghiên cứu các công nghệ mới để hỗ trợ cho ngành điều. Đồng thời nhà nước có cơ chế ưu tiên chuyển giao và tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 vào ngành điều.

Tags:
4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.05219 sec| 790.297 kb