Đây là một sự kiện được tổ chức độc lập trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống thực phẩm năm 2021 của Liên hợp quốc (UNFSS) với sự tham gia của hơn 40 nông dân tại nhiều quốc gia khác nhau thuộc khu vực Châu Á. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện nông dân đến từ các tỉnh Ninh Bình và Hoà Bình đã tham gia chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và đóng góp ý kiến xung quanh 3 chủ đề chính bao gồm: Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp an toàn và dinh dưỡng; Chính sách thúc đẩy và tạo điều kiện cho mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường; Liên kết, hợp tác để tăng sức chống chịu của nông dân đối với những tình huống dễ bị tổn thương, cú sốc và biến đổi khí hậu.
Đối thoại Hợp tác với Nông dân trong quá trình chuyển đổi Hệ thống sản xuất thực phẩm nông nghiệp ngày 14/06/2021
Thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn, như xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực hay cải thiện dinh dưỡng. Để ứng phó với những thách thức đó, vấn đề cốt lõi cần giải quyết đó là tạo ra một môi trường thuận lợi để chuyển đổi hệ thống sản xuất thực phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại trong đó nông dân phải được tiếp cận thông tin và sử dụng công nghệ mới một cách dễ dàng. Quan trọng hơn, việc ứng dụng các công nghệ này phải bền vững và không gây ra suy thoái đối với hệ sinh thái hay các điều kiện xã hội thông thường.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những lỗ hổng sẵn có trong hệ thống cung cấp thực phẩm trên khắp châu Á, đồng thời cũng làm lộ ra những lỗ hổng mới, như đảm bảo tình bền vững trong chuỗi cung ứng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng của nông dân với các công nghệ mới, nền tảng số để cải thiện sức chống chịu và tiếp tục duy trì năng lực canh tác của nông dân - ứng phó tốt hơn với mọi điều kiện bất thường.
Tại đối thoại xung quanh chủ đề 1, nông dân Việt Nam chia sẻ những khó khăn đang gặp phải trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất bao gồm: nhận thức và kỹ năng sử dụng của nông dân còn chưa cao; diện tích canh tác nhỏ, đôi khi không phù hợp; vốn đầu tư hạn chế; khả năng tiếp cận với người tiêu dùng thấp, đầu ra không ổn định; quy hoạch của nhà nước chưa đồng đều và các nghiên cứu còn khá phức tạp, chưa giải quyết được các vấn đề thiết yếu, cụ thể của nông dân. Nông dân từ các nước khác cũng đều bày tỏ mong muốn một hệ thống kết nối trực tiếp giữa họ với các đơn vị cung ứng nguyên liệu đầu vào và người tiêu dùng, đồng thời đề cập về các công nghệ mới mà họ đang quan tâm nhiều hiện nay bao gồm ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV/Drone), mạng lưới internet vạn vật (IOT), công nghệ tự động hoá sau thu hoạch,…
Ảnh chụp màn hình từ Đối thoại Hợp tác với Nông dân trong quá trình chuyển đổi Hệ thống sản xuất thực phẩm nông nghiệp ngày 14/06/2021
Nói về các chính sách và chương trình cho các nông hộ nhỏ tại chủ đề 2, nông dân Việt Nam chia sẻ chính phủ đã có nhiều chính sách và hoạt động thực tế hỗ trợ cải thiện việc sản xuất lương thực cũng như nắm bắt, ứng dụng các cải tiến công nghệ mới. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao hơn nữa, điều quan trọng là cần có thêm khảo sát thực tế để nắm bắt đúng nhu cầu của nông dân cũng như đưa ra các các điều kiện cần và đủ cho việc triển khai công nghệ. Có một số ý kiến cho rằng, nên giao lại các chương trình về cho từng địa phương để họ có thể tối ưu hoá các nguồn lực hỗ trợ và lựa chọn cách thức triển khai sát hơn.
Trong chủ đề thảo luận thứ 3, Đại diện TW Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ về một số các chương trình hỗ trợ cho nông dân nên được chú trọng hiện nay là: nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc bảo vệ môi trường; ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào phát triển và sản xuất; chú trọng xây dựng các gói bảo hiểm nông nghiệp để ứng phó với thảm hoạ thiên nhiên và cuối cùng là duy trì một diễn đàn trực tuyến nơi giúp phát triển và đẩy mạnh các chương trình tiếp thị (marketing) nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada… để giúp người dân kết nối và tiêu thụ nông sản sau thu hoạch một cách nhanh chóng.
Cũng tại hội thảo, một số thảo luận về vấn đề bình đẳng giới trong nông nghiệp cũng được chia sẻ, trong đó phụ nữ làm nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam – khi mà tiềm thức về bổn phận của nữ giới vẫn còn in sâu trong các cộng đồng nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ cần có thêm những chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này.
Một nội dung quan trọng khác của buổi đối thoại là thảo luận về những chương trình hành động cụ thể để tăng khả năng ứng dụng công nghệ, điều kiện kết nối - hợp tác của nông dân đối với các viện nghiên cứu, các đơn vị tư nhân, ngành hàng và chính phủ trong quá trình chuyển đổi, bao gồm: Nâng cao nhận thức của nông dân về vai trò của chính họ trong quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm một cách bền vững: đặc biệt trong chuỗi hoạt động sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm; Đào tạo nông dân trở thành doanh nhân và chủ động tham gia vào quá trình tăng giá trị, chất lượng nông sản, thực phẩm; Mở rộng quy mô các chương trình liên kết hiện có, đặc biệt là các chương trình liên quan đến đa dạng hóa và sự tham gia của các hộ nông dân nhỏ trong việc gia tăng giá trị để giúp giải quyết những thiếu sót lớn của hệ thống thực phẩm hiện đang tồn tại; Khuyến khích thế hệ nông dân mới là những người trẻ tuổi có khả năng tiếp cận với công nghệ và tiếp tục phát triển các chương trình trên tốt hơn.