Thứ 4, 16/10/2024, 08:15 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cần tiếp tục theo dõi, đánh giá giống 'mít sầu riêng'

Cần tiếp tục theo dõi, đánh giá giống 'mít sầu riêng'
(Tieudung.vn) - Theo kết quả khảo sát ban đầu của Viện Cây ăn quả miền Nam, giống ''mít sầu riêng'' chỉ có mùi thơm mạnh, chứ không có mùi sầu riêng.

Cần tiếp tục theo dõi, đánh giá giống 'mít sầu riêng'

Mít tố nữ hương sầu riêng trên . Ảnh: Viện Cây ăn quả miền Nam.

Gần đây, trên thị trường xuất hiện thông tin giống mít tố nữ có hương sầu riêng ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ (còn gọi là mít sầu riêng). Qua tìm hiểu của TS Nguyễn Ngọc Thi (công tác tại Viện Cây ăn quả miền Nam) thì nguồn gốc của giống mít này từ Đài Loan, đây là giống du nhập chứ không phải do lai tạo.

Viện Cây ăn quả miền Nam đã thu quả khảo sát cùng với mít tố nữ địa phương (trồng phổ biến). Theo kết quả khảo sát, giống mít tố nữ hương sầu riêng như thông tin trên thị trường có một số đặc điểm như sau: Vỏ mỏng (7,6mm), khối lượng hạt trung bình nhỏ, cơm màu vàng, mềm dai trung bình, vị ngọt (độ brix 33%), mùi thơm mạnh nhưng không có hương thơm sầu riêng, tỷ lệ thịt quả thấp (chỉ đạt hơn 21%) và mỏng cơm (dày cơm đạt 3,16mm).

Cần tiếp tục theo dõi, đánh giá giống 'mít sầu riêng'

khảo sát so sánh mít tố nữ hương sầu riêng và mít tố nữ địa phương. Ảnh: Viện Cây ăn quả miền Nam.

Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Thi, đây là kết quả ghi nhận ban đầu do khảo sát quả của hai giống mít tố nữ gần cuối vụ, thêm vào đó, giống mít tố nữ có hương sầu riêng như thông tin trên thị trường ở vụ quả bói (sau 18 tháng ghép) nên cần có thời gian theo dõi, đánh giá và so sánh thêm về tính thích nghi, đặc điểm của giống này trong thời gian tới.

Cây mít (Artocarpus spp.) là cây ăn quả nhiệt đới được trồng phổ biến tại Việt Nam. Mít thuộc họ dâu tằm (Moraceae), chi Artocarpus. Theo Phạm Hoàng Hộ (1993), mít có 2 loài chính là mít ta (Artocarpus heterophyllus Lam.) và mít tố nữ [Artocarpus integer (Thumb.) Merr.].

Trong đó, nhóm mít ta có quả to, thường trên 3kg/quả, múi dính chặt vào cùi và không dễ tách khỏi vỏ khi quả chín, cơm thường ráo (ngoại trừ mít ướt), bao gồm các giống như mít dừa, mít nghệ, mít ướt…

Cần tiếp tục theo dõi, đánh giá giống 'mít sầu riêng'

Mít tố nữ được trồng phổ biến ở địa phương phía Nam. Ảnh: Viện Cây ăn quả miền Nam.

Riêng mít tố nữ có quả nhỏ hơn mít ta (1 - 3kg/quả), múi thường dính vào cùi và dễ rời khỏi vỏ quả khi chín, cơm mềm, nhão, hơi dai, bao gồm một số giống như: Mít tố nữ, mít tố tây, mít tố nữ hạt lép hay mít Mã Lai hạt lép, mít ruột đỏ…. Nhóm mít tố nữ hiện nay chủ yếu tiêu thụ tươi trong nước do cơm mềm, vị ngọt, quả nhỏ và mùi rất thơm.

Nhóm mít tố nữ hiện trồng nhiều tại các tỉnh vùng Đông Nam bộ (Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước…) và rải rác tại các tỉnh vùng ĐBSCL (Bến Tre, Cần Thơ…).

Tags:
báo NNVN
3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.00601 sec| 773.586 kb