VinaCapital là một quỹ tài chính máu mặt ở Việt Nam - ở nước ngoài người ta thường gọi những định chế tài chính này là "cá mập", có thể ngửi thấy mùi tiền từ khoảng cách cả ngàn kilomet để đến rủ rê, dìu dắt, nâng đỡ và có thể thôn tính đối tác bất kỳ lúc nào.
Dĩ nhiên họ có những nhà tài chính lão luyện, có đội ngũ luật sư pháp chế chuyên nghiệp, cái đó khuôn khổ bài này không lạm bàn, chỉ chắc chắn thêm một điều, là họ cũng có cả một hệ thống truyền thông quan hệ cực mạnh, từ cấp chính phủ cho tới báo chí. Việc bị lên báo ở một địa vị bất lợi là điều họ tối kỵ. Và theo tôi đó là lý do lớn nhất họ buông tay rất sớm để nhấn chìm sâu vụ việc.
Cách đây 10 năm người viết bài này có tham gia hỗ trợ truyền thông cho một thương vụ đầu tư tương tự, giữa quỹ Indochina Capital đầu tư mua 30% công ty cổ phần Vinamit, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về chế biến trái cây sấy. Vụ việc cũng tan vỡ sau khi hai bên đã tổ chức Lễ ra mắt đối tác chiến lược hoành tráng, sau những lời có cánh và sau khi Vinamit nhận ra thực chất vấn đề.
Phía Quỹ đầu tư và Vinamit đã thỏa thuận dừng lại trong yên lặng và hòa bình. Tuy nhiên vẫn không giữ lời, Indochina Capital cố tung ra vài bài báo với tựa đề Indochina ngừng đầu tư vào Vinamit, trong khi thực chất vấn đề là ngược lại. Với sự đáp lễ bằng các bài trả lời báo chí của phía doanh nghiệp Việt, quỹ đầu tư này đã ngay lập tức xuống nước, hẹn gặp mặt và yêu cầu, gần như năn nỉ, rằng sẽ dừng hoàn toàn các chiến dịch truyền thông hạ bệ nhau, vì các quỹ vẫn còn phải đi tìm các "đối tác" khác.
Trở lại với trường hợp của VinaCapital vừa mới đây. Chúng ta có thể thấy có quá nhiều bài vở của VinaCapital bị phơi ra trên mặt báo, trên báo chí online và cả trên các chủ đề thảo luận của mạng xã hội. Truyền thông rõ ràng lan tỏa mạnh hơn 10 năm trước nhiều, điều tốt lan mạnh hơn và điều xấu cũng vậy.
Bài vở đầu tiên trong vụ này ta có thể thấy nằm ở việc ký hợp đồng. Đa phần nhân sự của quỹ đầu tư này đều nói tiếng Việt như người Việt, và là người Việt, dù quỹ đăng ký kinh doanh gốc tại một hòn đảo ngoài đại dương. Bà Ba Huân là một nông dân Việt, bà không rành tiếng Anh, nhân viên trong doanh nghiệp gia đình của bà đều như vậy.
Hai bên thỏa thuận sẽ ký hợp đồng chính thức bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Tuy nhiên Hợp đồng tiếng Anh lại thảo luận và ký chính thức trước, chứ không phải lẽ ra là ngược lại: ký trên bản tiếng Việt thật rõ ràng rồi chuyển ngữ sang tiếng Anh. Và khi hợp đồng bằng tiếng Việt được đưa ra, phía Ba Huân phát hiện một số điều khoản VOF (đại diện của VinaCapital) không giống hay không thể hiểu giống như bản tiếng Anh, rất ngặt nghèo, rất bất lợi cho Ba Huân.
Bài vở khác bị Ba Huân tung hê lên báo là ở các điều khoản. Quỹ này tự đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư là 22% và giới hạn ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh thịt gà và trứng gà, loại bỏ các ngành kinh doanh khác. Ngành nghề càng tập trung, càng dễ "làm giá" về sau, chứ không phải để đồng hành phát triển nông nghiệp Việt Nam đâu. VOF cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả như trên sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần công ty.
Đầu tư mà bắt cam kết chắc chắn phải thắng, nếu thua thì trả lại tiền cộng với lãi suất gấp mấy lần vay ngân hàng, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp còn được nhà nước hỗ trợ vay ưu đãi. Nói theo giọng của truyền thông mạng thì "Khôn như này quê em đầy!"
VinaCapital đang trưng ra một bộ mặt thánh thiện thật thà, khi nói rằng để cho Ba Huân tự định giá - lên đến 96 triệu USD. Có ai tin được họ có thể ngây ngô đến vậy? Đừng nhầm, tất cả những thông tin của doanh nghiệp, đất đai, máy móc, nhà xưởng, các điểm bán, mạng lưới phân phối, con người, các báo cáo kinh doanh, báo cáo thuế từ cả vài năm trước, không có thứ gì họ không biết. Cái họ muốn ở đây, là phần trăm sở hữu doanh nghiệp cùng với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) phải cam kết. Khi đã cam kết, thì họ chẳng có gì phải sợ nữa, dù doanh nghiệp có định giá nào. Và ở đây có chút khác biệt với cách nói chợ búa, "người bán có thể lầm chứ người mua không lầm". Vụ Bệnh viện Hoàn Mỹ bị sang tên là một ví dụ như vậy.
Các chỉ số đánh giá doanh nghiệp P/E hay cách tính các mức IRR không dám lạm bàn ở đây, chỉ biết rằng khi các Quỹ đầu tư doanh nghiệp ‘chịu’ rót tiền vào các doanh nghiệp tư nhân ngoài sàn niêm yết, cái đầu tiên họ hướng đến là sự đảm bảo các kỳ vọng sinh lợi từ khoản đầu tư. Không có mỹ từ nào khác hơn điều đó cả. Họ là cá mập, không phải ông Bụt.
Sau cùng, khi phía Ba Huân đề nghị chấm dứt hợp tác lại làm lộ thêm các "hành động trì hoãn, gây khó khăn" của phía VinaCapital, như yêu cầu phải thanh toán khoản phí phát sinh dựa trên mức lãi suất 22% cho các khoản đầu tư mua cổ phần phát hành thêm, giống như phạt trả sớm khoản vay ngân hàng. Trong khi thực tế khoản tiền này vẫn đang được giữ lại tài khoản do VinaCapital kiểm soát.
Rõ ràng có quá nhiều thủ pháp bị lộ ra trên báo ở đây (trong giới thì không ai lạ gì) là bài học tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Và đó mới chính là nguyên nhân VinaCapital cần đóng lại vụ việc nhanh chóng, càng sớm càng tốt.
Cũng trong câu chuyện này, mong báo chí và truyền thông hãy vì cái tâm mà công bằng cho doanh nghiệp Việt. Bà nông dân Việt không phải đang đói rách và muốn ăn không tiền đô la Mỹ từ trên trời rơi xuống, mà chỉ tin tưởng vào thông điệp muốn đồng hành cùng nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Việc gửi văn bản cho Thủ tướng chỉ như một thông báo, để quan trọng hóa vụ việc, đánh động truyền thông, chứ Thủ tướng chẳng khi nào lại dính vào hợp đồng của doanh nghiệp cả.