Gạo nếp Việt ngon, các nước như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan đều thích nhập hàng của chúng ta. Năm ngoái, xuất khẩu nếp của Việt Nam đạt 297.405 tấn và 2 tháng đầu năm nay đã xuất được 72.476 tấn. Danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia theo Nghị định 94/2013 của Chính phủ chỉ bao gồm thóc tẻ và gạo tẻ, không bao gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp.
Điều này có nghĩa là văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn và Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020 của Văn phòng Chính phủ chỉ đề cập đến gạo, không nói gì đến gạo nếp. Thế nhưng Tổng cục Hải quan vẫn xếp nếp vào gạo đưa vào các loại vào phân nhóm HS: 1006.20; 1006.30 và 10006.40 vào diện cấm xuất khẩu. Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức, kể từ 0 giờ ngày 24/3. Vậy là nếp bị “tắc oan” ở cảng!
Mặc dù “nếp là nếp, gạo là gạo” nhưng với các DN xuất khẩu nếp, sản lượng này vẫn phải nằm trong hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4. Điều này khiến cho bà con nông dân 2 tỉnh Long An và An Giang, nơi trồng nếp chủ yếu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đứng ngồi không yên. Khác với gạo, tiêu thụ nếp trong nước khá thấp mà sản lượng nếp dự kiến năm 2020 ở 2 tỉnh này vụ Đông Xuân là 453.000 tấn, vụ Hè Thu là 276.000 tấn và vụ Thu Đông là 65.000 tấn. Không xuất khẩu được là gay, vì không thể ăn cơm nếp hàng ngày được!
Câu chuyện cuối cùng đến tay Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới quyết định xuất khẩu nếp (gạo gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp) không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo. Rốt cuộc nếp đã được “trả lại tên cho em” nhưng trong thời đại số, khi mà các bên liên quan còn quá máy móc, sợ trách nhiệm như hiện nay, rất cần một cái tên số cho gạo, nếp.