Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc chiếm tới hơn 80%. Ảnh: Internet
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam trong những năm qua. Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc chiếm tới hơn 80%. Phần còn lại là Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Chile.
Tuy nhiên gần đây, Trung Quốc siết chặt kiểm dịch đối với nhiều mặt hàng, trong đó có thanh long, hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định; chi phí logistics tăng cao đột biến cũng chồng thêm những bất cập cho xuất khẩu thanh long sang nước này.
Trong lúc thanh long đang gặp khó khăn với thị trường Trung Quốc, thì Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại các thị trường nước ngoài khác vẫn tiếp tục tăng khi nhiều nhà nhập khẩu quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.
Tìm thị trường thay thế cho thanh long khi khó khăn đến từ Trung quốc cũng là mong mõi của nhà nông và trách nhiệm của ngành thương mại.
Thanh long Việt Nam được bán tại siêu thị tại Australia. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Australia
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021 vừa diễn ra, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho biết, đơn vị này đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, quảng cáo quả thanh long tại thị trường Australia. Đặc biệt là thành công khi Thương vụ tổ chức Tuần lễ thanh long Việt Nam tại Úc được tổ chức từ ngày 21/7 -27/7 và kéo dài đến ngày 10/8/2021.
Trong khi đó thông tin từ Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho thấy, người tiêu dùng Nhật Bản coi thanh long là loại quả giàu dinh dưỡng, giàu chất xơ, đem lại làn da đẹp, mịn màng. Họ thường ăn thanh long theo kiểu làm salad, trộn với ngũ cốc hoặc ăn trực tiếp.
Các sản phẩm chế biến từ thanh long như nước thanh long đóng chai, thanh long sấy dẻo, kẹo thanh long… nên đa dạng hơn về mẫu mã, mùi vị, nâng cao chất lượng để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Nhật Bản.
Ông Tạ Đức Minh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng ưu đãi thuế từ các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên; thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu.
Sản phẩm thanh long sấy, xuất khẩu cho thị trường Nhật. Ảnh: baobinhthuan.com.vn
Với thị trường Ấn Độ, Tham tán, Thương vụ Bùi Trung Thướng thông tin, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Sri Lanka. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan cũng thông tin, với dân số hơn 200 triệu dân nhưng Pakistan chưa nhập khẩu trái cây.
Để phát triển xuất khẩu thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long sang Ấn Độ, Pakistan, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý phát triển vùng trồng chất lượng cao, đáp ứng đúng những quy định, yêu cầu của thị trường, thay vì mở rộng diện tích.
Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan lưu ý thêm, các doanh nghiệp Việt Nam những quy định đối với nhãn mác của sản phẩm khi nhập khẩu vào Pakistan.
Cụ thể, các thành phần và chi tiết của sản phẩm (thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng…) trên bao bì phải được in bằng tiếng Urdu và tiếng Anh; logo của cơ quan chứng nhận Halal phải được in trên bao bì bán lẻ; hàng nhập khẩu phải có phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hồi giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp...