Sở NN&PTNT cho biết Đà Lạt-Lâm Đồng hiện có hơn 7.000 ha đất để trồng hoa với sản lượng khoảng 2,5 tỷ cành/năm, trong đó cúc chiếm tới 43% diện tích, kế đến là hoa hồng với 16%, lay ơn 13%... Về mô hình tổ chức sản xuất, đa phần vẫn là các hộ nông dân sản xuất độc lập, nhỏ lẻ và phân tán nên chất lượng chỉ đạt yêu cầu của thị trường trong nước, lượng hoa xuất khẩu rất hạn chế. Còn theo một số chuyên gia nông nghiệp ở Đà Lạt, lâu nay người trồng hoa không tiếp cận được nguồn thông tin thị trường một cách khoa học để lên kế hoạch sản xuất phù hợp.
Các quyết định sản xuất đa phần do cảm tính hoặc bắt chước những hộ trồng hoa khác nên gặp nhiều khó khăn trong việc tính toán nhu cầu và lượng cung phù hợp. Vì nhiều người có cùng một cách nghĩ, cung cấp cùng một loại hoa vào cùng một thời điểm dẫn tới việc dư cung làm giá giảm mạnh sau đó. Có những lúc dư thừa sản lượng đến mức không thể bán được hoặc giá quá rẻ, chẳng bù được công thu hoạch nên hoa bị bỏ tàn lụi tại vườn hoặc đổ cho bò ăn. Giá hoa biến động rất lớn ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Theo khảo sát của Cty Dream Incubator (Nhật Bản), những năm gần đây sản lượng hoa Đà Lạt tăng 35% mỗi năm trong khi nhu cầu người tiêu dùng nội địa tăng rất chậm dẫn đến dư thừa, thường xuyên phải vứt bỏ khoảng 30% lượng hoa tại các chợ đầu mối.
Hiện 85% sản lượng hoa của Đà Lạt được phân phối gián tiếp qua kênh truyền thống: bán tại vườn cho thương lái hoặc ký gửi tại các chợ đầu mối, chủ yếu ở TPHCM. Ký gửi là phương thức mà nông dân gửi hoa tại các cửa hàng ở chợ đầu mối để bán; sau đó người bán buôn sẽ giữ một phần lợi nhuận, phần còn lại đưa cho nông dân. Tình trạng thừa cung xảy ra thường xuyên nên thương lái dễ bề thao túng giá hoa. Chẳng hạn trong tháng 8/2014, nông dân trồng hoa hồng chịu lỗ 65% sau cả vụ nhưng thương lái vẫn lãi 15%.
“1 bó hoa cúc gồm 5 cây có thời điểm lên đến 10-12 ngàn đồng, trung bình 6.000 đồng nhưng cũng có những lúc thương lái chỉ trả 3.000-4.000 đồng, thậm chí 2.000-3.000 đồng. Giá cao hay thấp do bên nhận ký gửi quyết định chứ nhà nông chẳng có quyền gì, chẳng biết chính xác giá hoa là bao nhiêu. Đôi khi có cảm giác mình vất vả trồng hoa để nuôi chủ vựa”, chú Trần Văn Thành (Làng hoa Thái Phiên, Phường 12) tâm sự.
Xây chợ hoa theo mô hình Osaka Để giúp nhà vườn thoát khỏi tình cảnh bị chèn ép, với sự hỗ trợ của JICA, Đà Lạt đang xúc tiến hình thành Chợ đầu mối hoa (vốn đầu tư khoảng 164 tỷ đồng theo mô hình chợ Osaka, Nhật Bản) và liên kết với thị trường tiêu thụ tại TPHCM, nơi tiêu thụ 70% sản lượng hoa Đà Lạt. Việc hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ hoa được điều phối thông qua chợ này để đảm bảo cung, cầu ít chênh lệch. Chợ sẽ hỗ trợ nông dân trong việc dự báo nhu cầu thị trường cho từng chủng loại và số lượng. |