Giá vàng trong nước “một mình một chợ”
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá vàng tăng giảm sốc bởi sức cầu tăng nhưng nguồn cung vàng SJC hạn chế. Thời gian qua, vàng miếng SJC không có nguồn cung. Nếu người dân bán ra không nhiều, nguồn cung hạn chế, chỉ cần sức cầu tăng nhẹ thì giá vàng sẽ bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khiến giá vàng biến động mạnh chính tâm lý đám đông ở trên thị trường, khi thấy một người mua thì những người khác cũng mua vào. Tâm lý này sẽ lan truyền và đồng thời sinh ra kỳ vọng là vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn và gây ra tác động đột biến trên thị trường vàng như hiện nay.
Dù không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, song giá vàng miếng trong nước vẫn bị doanh nghiệp vàng đẩy lên cao một cách vô lý so với giá thế giới. Trong vòng 1 tháng qua, giá vàng thế giới chỉ tăng hơn 1%, trong khi vàng trong nước tăng hơn 8%, có thời điểm phá mốc 80 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn so với đầu năm, giá vàng trong nước tăng gần 20%, trong khi vàng thế giới tăng 12%.
Sau khi tăng cao, giá vàng miếng SJC bất ngờ giảm mạnh. Nếu mua vàng với giá 80 triệu đồng/lượng vào sáng 28/12/2023 thì đến 30/12/2023 người mua lỗ 11 triệu đồng/lượng chỉ sau 2 ngày, khi giá vàng giảm về 69 - 72 triệu (mua - bán).
Ngay cả trong trường hợp giá vàng tăng cao, người mua cũng vẫn bị lỗ. Lý do là cứ khi giá tăng cao, các công ty kinh doanh vàng lại kéo giãn khoảng cách giá mua vào - bán ra khiến người mua khó lòng hưởng lợi.
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau.
“Chính sách độc quyền vàng gây thiếu nguồn cung, làm cho thị trường bị đẩy nóng lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế” - vị chuyên gia nêu quan điểm. Đòng thời cho rằng, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá lớn (có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng) mà nhiều đối tượng đã bất chấp quy định pháp luật. Tình trạng buôn lậu vàng trong vài năm gần đây có dấu hiệu gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp và quy mô lớn.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã lỗi thời?
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có Công điện nhấn mạnh, thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Vàng trong nước tăng không phải do người dân tăng mua quá nhiều, mà chủ yếu do khan hiếm vàng SJC.
Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; điều hành giá vàng miếng trong nước theo thị trường, không để vênh cao với quốc tế...; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối...; xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân...
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN cũng phát đi thông báo về việc quản lý thị trường vàng. Cơ quan này cho biết sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn 2011-2012, nền kinh tế vĩ mô rối loạn, tình trạng vàng hóa nền kinh tế diễn ra khá đáng ngại. Trong bối cảnh đó, việc độc quyền vàng như Nghị định 24/2012/NĐ-CP là phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô đã khác, việc độc quyền của NHNN là không cần thiết, trở nên tương đối lỗi thời, cần chỉnh sửa cho phù hợp.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam kiến nghị, nên bỏ độc quyền kinh doanh vàng miếng, thay vào đó, NHNN quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng dưới dạng mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Về lâu dài, cần hình thành sàn giao dịch vàng chuẩn để liên thông với thị trường thế giới.
Được biết, NHNN đã tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội kinh doanh vàng, các chuyên gia tài chính, cũng như kinh nghiệm quản lý vàng của nhiều quốc gia, song đến nay, Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP vẫn chưa được công bố.
Vàng trong nước tăng không phải do người dân tăng mua quá nhiều, mà chủ yếu do khan hiếm vàng SJC. Chênh lệch giữa vàng SJC và vàng các thương hiệu khác lên tới hơn 10 triệu đồng/lượng, dù cùng chất lượng, trọng lượng. Đây là điều hết sức phi lý. Mặt khác, chênh lệch giá vàng được đẩy lên quá cao so với giá thế giới, đồng thời chênh lệch mua vào - bán ra cũng được doãng rộng tới 1-2 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm, đẩy rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Chính vì khoảng cách này mà ngay cả khi giá vàng tăng, việc lướt sóng ngắn hạn với nhà đầu tư cũng rất nguy hiểm. (Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng)