Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn số 6960/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh cho vay mới trả nợ trước hạn hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, tại văn bản này Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dừng thực hiện việc cho vay mới trả nợ trước hạn hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn (rollover) tại tổ chức tín dụng đúng theo nội dung chỉ đạo tại công văn số 7059/NHNN-TTGSNH ngày 26/9/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, Thống đốc giao Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hà Nội, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp cho vay sai quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đối với việc cho vay mới để trả nợ trước hạn hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn (rollover) tại các tổ chức tín dụng theo công văn số 7059/NHNN-TTGSNH ngày 26/9/2014 và công văn số 6196/NHNN-CSTT ngày 16/8/2016 của Thống đốc
Hai năm về trước, chính sách chặn cho vay tuần hoàn nói trên đã gặp những phản ứng khác nhau từ các thành viên trong hệ thống.
Khối ngân hàng nước ngoài khi đó cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên ngăn chặn hình thức cho vay này, vì nó là “thông lệ quốc tế”, được thừa nhận rộng rãi trên thế giới.
Mặt khác, đại diện khối ngân hàng nước ngoài từng phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước với lý do, hình thức cho vay này có nhiều lợi ích. Như với doanh nghiệp, họ sử dụng vòng quay vốn ngắn (một vài tháng) góp phần giảm đáng kể chi phí vốn vay cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt thường có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng và việc áp dụng các kỳ hạn vay ngắn hạn cho mỗi khoản vay tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lựa chọn được ngân hàng cho vay có lãi suất tốt nhất tại từng thời điểm.
Đối với ngân hàng, hình thức cho vay trên, theo quan điểm phản biện trên, đảm bảo đánh giá được tốt nhất rủi ro tín dụng cũng như dòng tiền và khả năng hoàn trả của khách hàng cho mỗi kỳ hạn (để quyết định có cho tái tục/quay vòng hay không).
“Việc tái tục/quay vòng khoản vay như trình bày bên trên không phải do việc suy giảm khả năng tài chính hay chất lượng tín dụng của khách hàng, mà xuất phát từ yêu cầu thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Trên mọi quan điểm, hoạt động này chắc chắn không làm tăng rủi ro tín dụng vì các ngân hàng sẽ phê duyệt kỳ hạn khoản vay dài hơn rất nhiều so với kỳ hạn rút vốn vay thực tế”, đại diện khối ngân hàng nước ngoài từng nêu quan điểm trong một báo cáo liên quan.
Tuy nhiên, như trên, sau hai năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chỉ đạo chấn chỉnh nói trên. Khi có chấn chỉnh thì thực tế hẳn có phát sinh bất cập.
Đó là việc cho vay tuần hoàn có thể khiến vùng nhận diện nợ xấu, việc phân loại tài sản và trích lập dự phòng của các ngân hàng có phần không trung thực hoặc không đầy đủ, theo các quy định mới mà Ngân hàng Nhà nước ban hành những năm gần đây.
Theo đó, có thể chất lượng tín dụng và tình hình doanh nghiệp vay vốn không được phản ánh chính xác.
Với những lý do trên, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước quyết thực hiện việc siết lại cơ chế, để minh bạch hơn và nhận diện đầy đủ, sát thực hơn về chất lượng tín dụng hiện nay, dù ở khía cạnh nào đó có thể ảnh hưởng bất lợi nhất định đối với hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn.