Trong 3 nhóm mặt hàng trên, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Sầu riêng đông lạnh, bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ) là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trước đây, sầu riêng đông lạnh chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ và châu Âu với kim ngạch vài trăm triệu USD mỗi năm. Nay với cánh cửa rộng mở sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng dự kiến tăng đột biến. Nếu thị trường Trung Quốc chuyển sang tiêu thụ sầu riêng đông lạnh, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn.
Trước đó, từ tháng 3/2024, Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã gửi công văn tới các địa phương, đề nghị rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Bên cạnh sầu riêng, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu lớn của Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng. Việc ký nghị định thư đánh dấu mở ra cơ hội cho dừa tươi. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000ha, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tỉnh Bến Tre có 79.000ha.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết, đến nay, tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa đăng ký xuất khẩu đi Trung Quốc, với diện tích hơn 8.379ha và 12.831 hộ tham gia trên địa bàn các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc và TP Bến Tre. Các vùng trồng này chủ yếu là dừa uống nước và đã cơ bản đáp ứng các điều kiện về đăng ký cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng là 154.000 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm. Đối với dừa, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu lớn, với diện tích trồng 175.000 ha, chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc mở cửa thị trường Trung Quốc dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt 400-500 triệu USD năm nay, và xuất khẩu dừa tươi tăng thêm 200-300 triệu USD. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.