Sáng ngày 01/04/2016, Sở GDCK TP.HCM (HSX) đã tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) Tổng công ty Tín Nghĩa, một trong ba Tổng công ty nhà nước của tỉnh Đồng Nai bên cạnh Dofico và Sonadezi.
Tổng công ty dự kiến sẽ IPO 14,9 triệu cổ phần, IPO tương đương 9,56% vốn điều lệ. Phiên đấu giá cổ phần Tín Nghĩa thu hút 28 nhà đầu tư, đăng ký mua gần 30,3 triệu cổ phần, hơn gấp 2 lần lượng cổ phần mà Tín Nghĩa sẽ chào bán.
Hiện tượng hiếm gặp
Đáng chú ý, trong danh sách NĐT đăng ký tham gia có 4 tổ chức nước ngoài đăng ký mua tổng cộng 14,9 triệu cổ phần, tương đương đúng lượng cổ phần Tín Nghĩa chào bán. Đây là điều khá hiếm gặp trong các phiên IPO gần đây. Ngoài ra, phiên đấu giá còn có sự tham gia của 22 NĐT cá nhân và 2 tổ chức trong nước.
Kết quả, chỉ có 12 NĐT mua thành công cổ phần. Giá trúng thầu thấp nhất 11.600 đồng/cp. Mức giá cao nhất trong phiên IPO là 14.000 đồng/cp. Đnág chú ý, đã có một nhà đầu tư đặt mua 5 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp. Với mức giá trúng bình quân 11.885 đồng/cp, Tín Nghĩa thu về tổng cộng 177 tỷ đồng từ phiên IPO.
Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Tín Nghĩa xấp xỉ 1.558 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước (UBND Tỉnh Đồng Nai) sẽ tiếp tục nắm giữ 50% vốn điều lệ. Có khoảng hơn 5,438% vốn điều lệ sẽ được Tín Nghĩa bán cho Công đoàn và CBCNV. Sau phiên IPO, Tín Nghĩa sẽ thực hiện đấu giá 35% vốn điều lệ cho NĐT chiến lược.
Sau phiên IPO, Tín Nghĩa sẽ thực hiện đấu giá cho NĐT chiến lược. Các tiêu chí khá ngặt nghèo được đưa ra để có thể trở thành cổ đông chiến lược của Tín Nghĩa như vốn điều lệ ít nhất 500 tỷ đồng, thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm. Số lượng nhà đầu tư không quá ba. Chia sẻ thêm tại phiên đấu giá, lãnh đạo công ty cho biết sẽ lựa chọn NĐT chiến lược trong nước.
Trước đó, phiên đấu giá của Sonadezi dù thu hút khá đông đảo người tham gia (91 NĐT) nhưng khối lượng mua vào chỉ chiếm 3% khối lượng cổ phiếu chào bán. Cũng là một trong các Tổng công ty do tỉnh Đồng Nai quản lý nhưng tỷ lệ cổ phần do Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa của Sonadezi lại lên tới 65%, đồng thời không bán cổ phần cho NĐT chiến lược.
Bán ra một lượng lớn cổ phiếu ra bên ngoài, đặc biệt dành tới 35% cho NĐT chiến lược là một trong các nguyên nhân khiến Tín Nghĩa thu hút sự chú ý hơn Sonadezi. Cùng với đó, Tín Nghĩa cũng đang nắm quỹ đất rộng lớn cùng kết quả kinh doanh khá ấn tượng.
Quỹ đất khủng 2.200 ha và dự án Khu đô thị 6 tỷ USD “bất động”
Tín Nghĩa đang quản lý, sử dụng và triển khai đầu tư hơn 2.200 ha đất, trong đó đất đang quản lý và sử dụng gần 814,5 ha gồm 31 khu đất. Trong đó có 03 khu đất trụ sở văn phòng, 15 khu đất sản xuất kinh doanh, 06 khu đất nhận chuyển nhượng từ hộ gia đình để mở rộng dự án.
Bảy khu đất khác mà Tín Nghĩa đang quản lý có diện tích hơn 18 ha. Sau cổ phần hóa, Tín Nghĩa dự kiến sẽ bán 6 khu đất. Riêng Khu đất xã Hiệp Hòa, tỉnh Biên Hòa (hơn 17,2 ha) đã được Tín Nghĩa nhận chuyển nhượng từ các hộ dân để chuẩn bị đầu tư Dự án Khu dân cư và tái định cư.
Tổng số diện tích đất đang được triển khai đầu tư của Tín Nghĩa là 1.390 ha, tập trung tại KCN Nhơn Trạch 3, KCN Tân Phú và KCN Biên Hòa. Phần lớn diện tích đất là đất thuê dài hạn trả tiền hàng năm.
Ngoài ra, Tín Nghĩa còn được nhắc nhiều với việc tham gia vào dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn thông qua công ty con CTCP Đầu tư Nhơn Trạch (Tín Nghĩa nắm 51,51%). Năm 2009, Tín Nghĩa khởi công xây dựng dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với quy mô 942 ha và tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD. Dù được định hướng trở thành khu đô thị xanh, kiểu mẫu nhưng đến nay dự án vẫn đắp chiếu sau 6 năm triển khai.
Vị trí Khu đô thị Đông Sài gòn
Kinh doanh ấn tượng, "đẩy" công ty con TIP lên sàn
Hoạt động kinh doanh chính của Tín Nghĩa là đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và bất động sản (BĐS), chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, khí đốt…
Trước cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của “ông lớn” có vốn điều lệ 1.558 tỷ đồng khá ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh, nhất là trong hai năm gần đây. Năm 2011, Tín Nghĩa thu về 9.187 tỷ đồng doanh thu và 5 tỷ đồng lỗ ròng. Doanh thu năm 2015 đạt 10.000 tỷ đồng, nhưng lãi ròng đã tăng lên 304 tỷ đồng. ROE đạt 21,13%.
Tuy được biết đến khá nhiều trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản nhưng mảng hoạt động mang lại doanh thu lớn nhất của Tín Nghĩa (chiếm 35% doanh thu toàn tổ hợp công ty mẹ - con) lại đến từ xuất khẩu cà phê. Ngoài ra, Tín nghĩa còn kinh doanh thương mại hạt tiêu và nông sản khác, thức ăn gia súc, xăng dầu...
Hiệu quả kinh doanh hai năm gần đây được cải thiện đáng kể
Ngoài “cơ ngơi” đất đai rộng lớn, Tín Nghĩa còn đang nắm cổ phần chi phối tại 14 công ty con, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn của tỉnh Đồng Nai như Donafoods (54%), Logistics Tín Nghĩa – ICD Biên Hòa (89,59%), Xăng dầu Tín Nghĩa (58,97%),…
Một trong các công ty con hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp của Tín Nghĩa chuẩn bị được đẩy lên sàn chứng khoán Tp.HCM (HoSE) thời gian tới đây là Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa với mã chứng khoán TIP. Nguồn thu chủ yếu của công ty này đến từ việc cho thuê đất, cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp Tam Phước với tỷ lệ lấp đầy hiện đã đạt 100%.
Lãnh đạo Tổng công ty Tín Nghĩa cho biết trong thời gian tới, khi đủ điều kiện thì Tín Nghĩa sẽ chủ động thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
theo NHD/tieudung24g.net