Khách hàng giao dịch tại VietinBank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Hải Linh |
Nợ xấu tăng 2 chữ số
Báo cáo bán niên năm 2020 cho thấy, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56%.
Tại VietinBank, tổng nợ xấu tính đến 30/6/2020 tăng đến 48% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 250% và nợ nghi ngờ tăng 84%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,7%. Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,75% lên 2%.
|
Kienlongbank tính đến hết tháng 6, nợ xấu tăng 5,5 lần, tương đương tăng hơn 500% lên 2.249 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,02% lên 6,59%. Theo giải trình của ngân hàng, nợ nhóm 5 có gần 1.900 tỷ đồng các khoản vay của một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu Sacombank được phân loại theo quyết định của NHNN. LienVietPostBank có nợ xấu tăng 24% lên 2.506 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 22%, quanh 1.738 tỷ đồng. Một số ngân hàng như BacABank, Sacombank, SCB, SHB, ACB hay VIB đều ghi nhận nợ xấu tăng 11 - 29%.
Nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng nhìn nhận, đại dịch Covid-19 khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Khả năng nhiều DN không trả được nợ, tiềm ẩn gia tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Song song với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các ngân hàng cũng đẩy mạnh giải ngân với mức lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng dẫn đến nợ xấu càng ngày càng phình to. Mới đây, hàng loạt ngân hàng, TCTD đang ồ ạt thanh lý các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu, đồng thời đẩy mạnh trích lập dự phòng
Nguy cơ còn tăng lên
Nợ xấu ngân hàng đang ngày một tăng cao trong nửa đầu năm và dự báo còn xấu hơn vào quý III và IV/2020. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2020 do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) vừa công bố cho thấy: Tình hình kinh doanh toàn hệ thống có sụt giảm, mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng; điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng và cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng suy giảm rõ rệt.
Những tháng cuối năm 2020 sẽ rất khác biệt so với các năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, sau khó khăn của DN sẽ tới khó khăn của TCTD. Khi hoạt động sản xuất của DN, người dân bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng đồng nghĩa với việc các nguồn thu của TCTD sẽ chịu tác động; chất lượng tài sản của TCTD cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngành ngân hàng đang trên đường đạt tới mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu, kể cả nợ tiềm ẩn cuối năm 2020 dưới 3%. Nhưng do dịch, nên khả năng nợ xấu của hệ thống sẽ tăng lên, đây là thách thức lớn cho hệ thống ngân hàng.
Theo nhận định của một số công ty chứng khoán mức nợ xấu hiện tại chưa thực sự phản ánh đúng chất lượng tài sản của các ngân hàng khi mà các khách hàng bị ảnh hưởng từ Covid-19 đang nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Bởi các khoản nợ được tái cơ cấu, gia hạn... và được giữ nguyên nhóm nợ. Do đó, chính sách này đã ảnh hướng tới chất lượng khoản vay của các ngân hàng. Đồng thời, con số nợ xấu sẽ còn tăng cao trong năm 2021 khi chính sách ưu đãi trên hết hiệu lực và phải chuyển nhóm nợ xấu. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD cũng như khả năng phục hồi của những đơn vị yếu kém.